Các bạn thân mến!
Hôm nay, tôi bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình tới nước CHXHCN Việt Nam, và tôi mong rằng chuyến thăm này sẽ đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, ngay trước chuyến thăm sẽ diễn ra hoạt động đa phương quan trọng, đó là Hội nghị cấp cao ASEAN – Nga. Chúng tôi chân thành cảm ơn lãnh đạo Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao trong việc tổ chức sự kiện này.
Trước thềm chuyến thăm, tôi muốn được chia sẻ những suy nghĩ của mình về triển vọng hợp tác giữa Nga và Việt Nam. Năm 2010 là năm có dấu ấn đặc biệt đối với hai nước chúng ta. Tháng Giêng vừa qua chúng ta đã kỷ niệm tròn 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng ta đã cùng nhau kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong năm nay, lễ kỷ niệm 65 năm Quốc khánh Việt Nam, 35 năm thống nhất đất nước và Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là những ngày hội đặc biệt đối với người dân Việt Nam.
Hai nước chúng ta gắn bó với nhau bởi những mối quan hệ truyền thống đặc biệt, bền chặt của tình hữu nghị. Chúng tôi đã cùng nhân dân Việt Nam anh hùng trải qua những năm tháng đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, trải qua thời kỳ khó khăn khôi phục nền kinh tế quốc dân. Trên thế giới, hiếm có những quốc gia nào lại có lịch sử quan hệ chung hoàn toàn tốt đẹp như hai nước chúng ta. Người Nga chúng tôi chân thành coi trọng những kinh nghiệm hợp tác hiệu quả tích lũy được trong những năm qua và đánh giá cao lòng quả cảm, tài trí và tinh thần yêu lao động của dân tộc Việt Nam. Đối với chúng tôi, tình cảm nồng hậu của Việt Nam dành cho nhân dân Nga là điều rất quan trọng.
Rõ ràng rằng, trong thập niên gần đây tình hình thế giới đã thay đổi một cách đáng kể. Những hình thức hợp tác hiệu quả mới đang phát triển tích cực. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế. Nhiệm vụ chung của chúng ta trong điều kiện hiện nay là phát huy hiệu quả tiềm năng đặc biệt của quan hệ song phương để giải quyết những vấn đề cấp bách đối với Nga và Việt Nam, cũng như những vấn đề có quy mô quốc tế rộng lớn hơn, là đúc rút ra những ưu thế mới từ quan hệ hợp tác kinh tế nhiều năm nay và những hình thức hợp tác khác. Đó còn là việc đưa quan hệ Nga – Việt lên một tầm vóc hoàn toàn tương xứng với tiềm năng của hai nước chúng ta.
Tôi vui mừng nhận thấy rằng quan điểm trên nhận được sự thông hiểu và ủng hộ của lãnh đạo Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong cuộc hội đàm của tôi với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 10 năm 2008, với Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 12 năm 2009 và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh vào tháng 7 năm nay.
Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược chủ chốt của Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta đang trên đà phát triển. Một trong những tiền đề tạo nên thế đi lên của mối quan hệ hợp tác đó chính là những nhiệm vụ tương đồng trong phát triển kinh tế quốc dân.
Nga đang tham gia triển khai nhiệm vụ có quy mô lớn là xây dựng ngành công nghiệp năng lượng nguyên tử tại nước CHXHCN Việt Nam. Lĩnh vực hợp tác được định hướng cho những thập niên tiếp theo này sẽ thúc đẩy sự phát triển theo đường lối hiện đại hóa của hai nước chúng ta. Nga đang sở hữu những công nghệ đặc biệt và hiện đại trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú về xây dựng những hạng mục công trình trong lĩnh vực này. Tôi tin tưởng rằng, sự phát triển ngành công nghiệp này ở Việt Nam sẽ được thể hiện rõ qua sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao hình ảnh của đất nước các bạn trên thế giới.
Chúng tôi cũng dành nhiều quan tâm đến ngành năng lượng truyền thống. Hàng loạt các công ty của Nga (JSC 'Power Machines', JSC 'Institute Hydroproject', JSC 'Inter RAO ESS') đang nghiên cứu khả năng tham gia thiết kế và xây dựng những công trình năng lượng mới và hiện đại hóa những hạng mục công trình năng lượng hiện đang vận hành tại Việt Nam.
Trang sử hợp tác mới cũng được mở ra trong lĩnh vực dầu khí với Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro được công nhận là đơn vị dẫn đầu trong hàng chục năm qua. Hình thức hợp tác này ra đời vào năm 1981 với đối tác chính từ phía Nga là công ty Zarubezhneft, hiện đang phát triển với nhịp độ ngày càng gia tăng. Có nhiều dự án tiềm năng trong lĩnh vực thăm dò và khai thác nhiên liệu hy-đrô-các-bon. Cụ thể, Công ty TNHH 'Công ty liên doanh Rusvietpetro' đã triển khai việc khai thác các mỏ hy-đrô-các-bon ở Khu tự trị Nhe-nhét-xki. Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong số ít đối tác nước ngoài tham gia khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ của Nga. Điều này thể hiện sự tin cậy sâu sắc giữa hai nước chúng ta. Ngoài ra, chúng tôi ủng hộ sự hợp tác giữa Gazprom và Petro Vietnam trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Hai tập đoàn này đã thành lập liên doanh 'GazpromViet' trên lãnh thổ của Nga.
Các lĩnh vực hợp tác khác cũng có những chuyển biến tích cực như viễn thông, chế tạo máy, lọc dầu, luyện kim màu, vũ trụ, ngân hàng.
Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cán bộ – lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước Nga và Việt Nam cũng phát triển tích cực. Trong những năm qua, đã có hàng chục nghìn công dân Việt Nam được đào tạo ở đất nước chúng tôi.
Nhân đây, tôi cũng có những kỷ niệm riêng của mình: Những nghiên cứu sinh Việt Nam đã được cha tôi giảng dạy tại Trường đại học Công nghệ của thành phố Lê-nin-grát đã nhiều lần đến thăm nhà chúng tôi. Những cuộc gặp gỡ thân tình, cởi mở đó còn lưu mãi trong ký ức của tôi.
Chúng tôi tự hào rằng, những chuyên gia Việt Nam, đã tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô và Nga, hiện đang công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế – xã hội và nhân văn. Họ đang đóng góp tích cực vào việc củng cố hợp tác giữa hai nước. Tính tới nhu cầu về chuyên gia đang ngày càng gia tăng của nền kinh tế Việt Nam (đặc biệt cho các ngành công nghệ cao), chúng tôi sẵn sàng mở rộng việc tiếp nhận sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh từ Việt Nam vào các trường đại học và các trung tâm khoa học của chúng tôi. Hiện nay, vấn đề thành lập trường đại học công nghệ liên kết giữa hai nước đang được xem xét.
Quan hệ trong lĩnh vực nhân văn đang được củng cố. Những Ngày văn hóa và Tuần phim, những chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, triển lãm được tổ chức thường xuyên tại Nga và Việt Nam nhằm giới thiệu những thành tựu hiện nay và những di sản văn hóa – lịch sử của hai nước. Vai trò của hợp tác liên Nghị viện và ngoại giao nhân dân được nâng cao. Đang mở ra những cơ hội rộng lớn trong giao lưu thanh niên hai nước mà chúng ta cần khuyến khích bằng mọi cách.
Quan hệ đối tác trong hợp tác song phương còn được thể hiện thông qua sự phối hợp hành động hiệu quả trên trường quốc tế. Quan điểm của hai nước chúng ta về những vấn đề then chốt gần gũi hoặc trùng hợp, Nga và Việt Nam là những nước nhất quán ủng hộ các nguyên tắc tập thể trong chính trị thế giới, hệ thống quốc tế đa cực dựa trên luật pháp quốc tế và ngoại giao đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc.
Điều đó được khẳng định một cách rõ rệt qua hoạt động của nước CHXHCN Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trên cương vị Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2008 – 2009, cũng như trong vai trò nước Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á hiện nay.
Tổng kết lại, tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng: Sáu thập niên qua đã trở thành giai đoạn lịch sử của tình hữu nghị và hợp tác chân chính, mang tính xây dựng, không chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi chính trị nhất thời. Và nhiệm vụ chung của chúng ta ngày nay là chuyển giao cho thế hệ trẻ ngọn đuốc của tình hữu nghị, mở ra cho họ những cơ hội mới và tạo ra một tiến trình tích cực để phát triển mối quan hệ Nga – Việt Nam cho nhiều năm sau. Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm sắp tới sẽ tạo điều kiện giúp chúng ta đạt được mục tiêu quan trọng này.
Ý kiến ()