Nga và EU, những lợi ích kinh tế không thể tách rời
Những năm gần đây, Nga và Liên hiệp châu Âu (EU) luôn tồn tại nhiều vấn đề bất đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của hai bên, quan hệ song phương giữa Mát-xcơ-va và "lục địa già" đã được củng cố, nhất là về mặt kinh tế, mở ra những triển vọng mới cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa hai bên.
Những năm gần đây, Nga và Liên hiệp châu Âu (EU) luôn tồn tại nhiều vấn đề bất đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của hai bên, quan hệ song phương giữa Mát-xcơ-va và “lục địa già” đã được củng cố, nhất là về mặt kinh tế, mở ra những triển vọng mới cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa hai bên.
Nga hiện là thị trường quan trọng nhất của hàng hóa châu Âu và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phương Tây. Mặt khác, với dân số hơn 500 triệu người, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Kim ngạch thương mại song phương tăng từ 129 tỷ ơ-rô năm 2004 lên hơn 410 tỷ ơ-rô năm 2012. Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) M.Ba-rô-xô tại Thủ đô Mát-xcơ-va vừa qua, Tổng thống Nga V.Pu-tin lạc quan khẳng định, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều có thể đạt 500 tỷ USD trong tương lai gần.
Năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương cùng có lợi giữa Nga và EU. Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên nhiều nhất thế giới và hiện nay đang cạnh tranh với A-rập Xê-út vị trí nhà sản xuất và cung cấp dầu lớn nhất. Mát-xcơ-va sở hữu hơn 20% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 5% trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Ngành công nghiệp năng lượng và kim loại chiếm khoảng 20% GDP của “xứ sở Bạch Dương”. Khoảng hai phần ba hàng hóa của Nga xuất khẩu sang châu Âu là dầu khí và khoáng sản, đem về cho Mát-xcơ-va nguồn thu đáng kể mỗi năm. Ðáng chú ý, Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho “lục địa già”. Tổng số nhiên liệu Nga xuất khẩu sang EU chiếm 20% số dầu mỏ và 44% lượng khí đốt châu lục này nhập khẩu. Trong đó, Nga cung cấp đến 39% lượng khí đốt Ðức cần tiêu thụ, 30% nhu cầu của I-ta-li-a và 26% của Pháp. Một số nước châu Âu nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ Mát-xcơ-va như Phần Lan và Bun-ga-ri. Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu tác động nhất định lượng tiêu thụ năng lượng tổng thể của EU, nhưng Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá, nhu cầu khí đốt của EU sẽ tiếp tục tăng từ nay đến năm 2030. Tại cuộc họp giữa Chính phủ Nga và Ủy ban châu ÂU diễn ra mới đây, hai bên đã ký lộ trình hợp tác năng lượng giữa Nga và EU đến năm 2050.
Tuy nhiên, quan hệ Nga và EU không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Về hình thức, quan hệ giữa Mát-xcơ-va và “lục địa già” là song phương, nhưng thực chất lại là quan hệ đa phương giữa Nga và 27 nước thành viên EU, nên sự va chạm lợi ích là khó tránh khỏi. Ngoài ra, những bất đồng trong lập trường về các vấn đề quốc tế khiến quan hệ hai bên nhiều lần rơi vào tình trạng căng thẳng. Ngay cả trong hợp tác năng lượng, giữa Nga và EU vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc và là chủ đề nhức nhối tại các kỳ họp cấp cao hai bên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cả EU và Nga sẽ vẫn rất cần nhau, nhất là để bảo đảm những lợi ích kinh tế. Các nước EU muốn giữ chân Nga, một trong những đối tác thương mại lớn nhất hiện nay, đồng thời bảo đảm nguồn cung năng lượng, vốn đã bị cắt giảm đáng kể sau khi thực hiện lệnh cấm vận đối với I-ran. Nga cũng đang rất cần thu hút đầu tư nước ngoài và công nghệ cao, vốn là thế mạnh của các nước Tây Âu. Ngoài ra, Mát-xcơ-va muốn thâm nhập nhiều hơn vào thị trường hàng hóa rộng lớn của châu Âu.
Tại Hội nghị cấp cao Nga – EU diễn ra mới đây tại Mát-xcơ-va, hai bên đã đạt đồng thuận trong nhiều lĩnh vực hợp tác như bảo vệ công dân, hỗ trợ lẫn nhau xây dựng các nguyên tắc, mục tiêu và cơ cấu đối thoại trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người tiêu dùng. EC cho biết, việc EU vẫn áp dụng quy chế cấp thị thực bắt buộc đối với Nga, vốn bị Mát-xcơ-va coi là một trong những rào cản chủ yếu trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác song phương, cũng đã đạt được những tiến bộ. Chủ tịch EC M.Ba-rô-xô đề nghị hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược song phương trong lĩnh vực phát minh, sáng chế để phối hợp đối phó những nguy cơ và thách thức mới; đồng thời thành lập Liên minh Âu – Á, nhằm góp phần tăng cường quan hệ EU – Nga. Ông M.Ba-rô-xô nhấn mạnh, EU và Nga cần hướng tới mục tiêu xây dựng một không gian thống nhất từ Li-xbon (Bồ Ðào Nha) đến Vla-đi-vô-xtốc (Nga), nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân công và hàng hóa lưu thông tự do.
Nhandan
Ý kiến ()