Chúng tôi đứng bên đường dẫn từ cầu Cần Thơ nhập vào quốc lộ 1A ở gần cuối quận Cái Răng. Một con đường mới mở, thoáng rộng và khá hiện đại. Con đường này là sự mở hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho một vùng đất rộng lớn phía nam và tây nam cầu Cần Thơ.Hiện tại, có một cây cầu mới đang được thi công trên sông Ba Láng, mở nơi đây thành ngã tư đường hiện đại, nối đường dẫn cầu Cần Thơ trên quốc lộ 1A với tuyến đường công nghiệp hóa Cần Thơ - Vị Thanh, điểm gặp tại Khu công nghiệp trung tâm huyện Châu Thành A. Đây sẽ trở thành một "ngã tư công nghiệp".Bên con đường mới mở này, tôi nhìn những dòng xe hối hả ngược xuôi, nhìn cánh đồng và làng quê thanh bình, lòng bâng khuâng nghĩ về những giọt mồ hôi của bậc tiền bối năm xưa đi khai hoang, lập ấp. Tôi nghĩ về những người con trung dũng đã ngã xuống trên đất này qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, để hôm nay đem lại biết bao khởi...
Chúng tôi đứng bên đường dẫn từ cầu Cần Thơ nhập vào quốc lộ 1A ở gần cuối quận Cái Răng. Một con đường mới mở, thoáng rộng và khá hiện đại. Con đường này là sự mở hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho một vùng đất rộng lớn phía nam và tây nam cầu Cần Thơ.Hiện tại, có một cây cầu mới đang được thi công trên sông Ba Láng, mở nơi đây thành ngã tư đường hiện đại, nối đường dẫn cầu Cần Thơ trên quốc lộ 1A với tuyến đường công nghiệp hóa Cần Thơ – Vị Thanh, điểm gặp tại Khu công nghiệp trung tâm huyện Châu Thành A. Đây sẽ trở thành một “ngã tư công nghiệp”.
Bên con đường mới mở này, tôi nhìn những dòng xe hối hả ngược xuôi, nhìn cánh đồng và làng quê thanh bình, lòng bâng khuâng nghĩ về những giọt mồ hôi của bậc tiền bối năm xưa đi khai hoang, lập ấp. Tôi nghĩ về những người con trung dũng đã ngã xuống trên đất này qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, để hôm nay đem lại biết bao khởi sắc đầy kỳ vọng cho vùng đất này trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Nơi đây cũng là trung tâm của địa danh Thường Thạnh, được lập nên từ thời vua Minh Mạng. Đây là vùng đất trù phú nổi tiếng của miệt Hậu Giang xưa, kể từ khi nhà Nguyễn cử quan lại triều đình cùng dân binh về đây khai hoang lập nên xóm ấp. Làng Thường Thạnh chạy suốt từ bờ nam sông Hậu, qua Cái Răng, Ba Láng, lên tận Trường Long, Phong Điền. Đây là vùng đất thuần nông cung cấp lúa gạo xuất khẩu qua cảng trên kênh xáng Xà No năm xưa. Theo nhà văn Sơn Nam: 'Rạch Cần Thơ nổi danh là phì nhiêu, đất tốt, dễ cho nghề canh nông. Vùng Cái Răng trở thành làng vào đời Minh Mạng rồi phát triển thêm. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), làng Thường Thạnh của Cái Răng tăng thêm dân cư, tách ra một làng mới lấy tên là Trường Thạnh'.
Công trường xây dựng khu công nghiệp Phú Hữu A (Châu Thành, Hậu Giang).
Vùng đất này từ xưa đã nổi tiếng với các địa danh như: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền… Ba Láng còn gọi là Láng Hầm, tức Nê Trạch. Đây là một nhánh của rạch Cần Thơ chảy xuống Rạch Gòi. Tự thân hai tiếng Nê Trạch đã giới thiệu rằng, đây là vùng đất thấp, bùn lầy nước đọng, là 'rốn lũ' của miền tây sông Hậu. Sách 'Gia Định thành thông chí', đoạn viết về sông Cần Thơ, có ghi: 'Đường đi qua chỗ Nê Trạch từ cuối mùa đông qua mùa xuân nước kiệt, bùn keo ngăn lấp khó đi; từ mùa hạ qua mùa đông nước mưa tràn ngập bờ bến, ghe thuyền phải cưỡi trên cỏ bèo mà đi, cứ trông theo rừng sát hai bên nhận chừng dấu đường cho khỏi lạc. Nơi đây không có dân ở, lại có rất nhiều muỗi và đỉa, nơi 'muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh', người đi qua lại rất khổ'.
Xưa thì vậy, nhưng bây giờ, với điểm nhấn là thị tứ Cái Tắc trở thành cửa ngõ đô hội phía nam thành phố Cần Thơ trên tuyến đường đi Vị Thanh, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Còn Vàm Xáng là ngã ba hợp thủy, nơi miệng kinh thông với sông, thuộc làng Nhơn Ái (Phong Điền), cách cầu Cái Răng khoảng 10 cây số. Từ một vùng vườn sình ruộng ngập, nhờ sức khai hoang phục hóa của con người đã trở nên sầm uất. Đây là vùng sản xuất lúa gạo nổi tiếng từ xa xưa. Lúa gạo nơi đây nhiều đến mức đi vào câu ca, còn lưu truyền đến ngày nay:
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo mà xóm giềng cười chê…
Đúng thế! Đây là xứ sở lúa gạo nổi tiếng của miền Hậu Giang xưa. Nếu đem những sản vật mà quanh năm đã chứa đầy đồng, chất đầy nhà làm quà thì đâu còn mấy quý hóa. Thế nên, không ai đem lúa gạo để đem cho những nông gia mà lúa gạo đã quá đủ đầy.
Câu ca xưa mang đậm nét dân dã và rất thực lòng. Chân thật như khí chất và lối sống của người dân vùng này. Ngẫm câu ca xưa, tôi thêm cảm phục truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, anh dũng trong chiến đấu bảo vệ quê hương của người dân vùng đất này. Gần chục năm qua, nhờ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nơi đây được coi là trung tâm của năm cụm công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh đang thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo được sự phát triển khá mạnh trong mấy năm gần đây. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tân Phú Thạnh Nguyễn Hoàng Tứ, nói với chúng tôi:
– Tân Phú Thạnh vốn là xã thuần nông, rất nghèo, nhưng nay đang mở ra nhiều cơ sở công nghiệp và có cả trường đại học. Tại đây có Công ty Chế biến thủy sản CAFATEX, Nhà máy đông lạnh Phú Thạnh, Công ty giày da xuất khẩu Lạc Tỷ, một xí nghiệp của Công ty CP dược Hậu Giang và nhiều cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc. Nơi đây còn xây dựng khu tái định cư hơn 70 ha. Tân Phú Thạnh còn có các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đang phát triển khá hiệu quả.
Nhìn ra sông Ba Láng, đồng chí Nguyễn Hoàng Tứ nói:
– Sắp tới có cầu bắc qua sông Ba Láng, tại ấp Tân Thạnh Tây này cũng dự kiến quy hoạch phát triển khu công nghiệp. Bộ mặt vùng quê này được đổi thay khá nhiều.
Ngoài Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, vùng phía bắc làng Thường Thạnh xưa, bây giờ đã mở hướng xây dựng Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A với tổng diện tích 351,9 ha, bước đầu đã thu hút được một số dự án, trong đó có dự án của Tổng công ty Lương thực miền nam đầu tư 232 tỷ đồng. Huyện còn có Trung tâm thương mại Bảy Ngàn và hai khu thương mại Cái Tắc, Rạch Gòi phục vụ giao thương và mở rộng đến các xã vùng sâu, xã mới như Trường Long Tây, Tân Hòa. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện nay được cải thiện rõ nét qua mỗi năm. Xứ này ngày xưa đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng trên rạch Cái Muồng. Bây giờ đổi mới, có đường nhựa, đường bê-tông, bà con đi lại thuận tiện, xóm ấp ngày càng văn minh.
Cách xã Đông Thạnh không xa là các xã: Phú Hữu, Phú Hữu A, Đông Phú, nơi đang phát triển các khu, cụm công nghiệp của huyện Châu Thành. Phú Hữu là 'quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa 1940' của miền tây sông Hậu. Tại trụ sở Huyện ủy Châu Thành (Hậu Giang), Bí thư Huyện ủy Bùi Văn Sáu cho chúng tôi biết:
– Riêng ở khu công nghiệp bên sông Hậu, hiện nay đang xây dựng Trung tâm Điện lực Sông Hậu tại xã Phú Hữu A; trước mắt là xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, với công suất 2 x 600 MW, do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị thiết kế, với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD. Đây cũng là hạng mục công trình đầu tiên nằm trong dự án Trung tâm Điện lực Sông Hậu có tổng công suất hơn 5.200 MW, một dự án đầu tư phát triển điện có quy mô lớn nhất cả nước. Ngoài ra khu công nghiệp thuộc loại tầm cỡ này còn có Nhà máy giấy LEE & MAN với tổng số vốn đầu tư cho dự án lên tới 1,2 tỷ USD, công suất một năm 420.000 tấn giấy chất lượng cao và 150.000 tấn bột giấy; Nhà máy đóng tàu VINASHIN; Nhà máy xi-măng Cần Thơ – Hậu Giang; Công ty chế biến thủy sản Minh Phú và nhiều cơ sở chế biến nông sản, thức ăn gia súc…
Đến phường Thường Thạnh và phường Lê Bình thuộc thành phố Cần Thơ, chúng tôi thấy nơi đây đã hình thành và phát triển gương mặt đô thị khá rõ nét. Vùng đất ngoại ô sình lầy, cây hoang cỏ dại mọc um tùm năm xưa, nay đã thành phố phường khá đông đúc. Những lung, đìa rậm hoang lầy năm xưa nay đã thành Trường đại học dân lập Tây Đô. Nơi đây cũng có quy hoạch xây dựng bệnh viện khu vực khá lớn. Những đường phố mới mở và chỉnh trang thoáng rộng đang mở hướng cho phường Lê Bình và phường Thường Thạnh phát triển xứng tầm với thành phố Cần Thơ, trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ cái tên làng Thường Thạnh xưa, rồi xã Thường Thạnh, nay còn lưu lại địa danh tên gọi gốc ở vùng đất này là phường Thường Thạnh. Năm 2004, phường Thường Thạnh được thành lập thuộc quận Cái Răng, trên cơ sở xã Thường Thạnh của huyện Châu Thành trước đây. Hiện nay, phường Thường Thạnh có diện tích tự nhiên hơn 1.200 ha, số dân hơn 12.000 người với 2.550 hộ. Bí thư Đảng ủy phường Thường Thạnh Phạm Thanh Cường, tâm sự: Trong 5 năm tới, phường sẽ được mở thêm nhiều tuyến đường mới, chi phí 60 tỷ đồng mở rộng đường Trần Hưng Đạo nối với phường Lê Bình, mở rộng đường tiếp giáp phường Lê Bình qua Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, qua đường dẫn cầu Cần Thơ nối với phường Phú Thứ và Khu đô thị mới Nam Cần Thơ.
Đứng trên sân thượng một căn nhà lầu ở trung tâm phường Thường Thạnh, chúng tôi rất ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng ở vùng đất này. Xa kia là cầu Cần Thơ sừng sững như dáng rồng bay qua sông Hậu, những khu phố mới sáng rực một góc đô thị Nam Cần Thơ. Xuôi về phía hạ lưu sông Hậu là Khu công nghiệp Sông Hậu của tỉnh Hậu Giang với những giàn cần cẩu vươn cao mây trời. Bên kia là Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. Từ đây, dọc theo quốc lộ 1A trên đường về Hậu Giang đang hình thành các dự án để mở ra khu công nghiệp – thương mại – dịch vụ Cái Tắc. Chếch phía tây bắc là Khu công nghiệp Cái Sơn – Hàng Bàng. Xa hơn nữa là khu công nghiệp và đô thị mới nơi kênh Một Ngàn nối với kênh Xà No của huyện Châu Thành A… Với đà này, rồi nơi đây sẽ mở ra nhiều công trình, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại – dịch vụ và du lịch. Vùng quê giàu truyền thống cách mạng này đang trên đường mở hướng nhiều đổi thay kỳ diệu và đầy niềm tự hào, là điểm sáng trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()