Nga trì hoãn giao tên lửa S-400, Ấn Độ 'ngồi trên đống lửa'
Hợp đồng chuyển giao S-400 là một trong nội dung được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Nga vừa qua.
Theo Bulgarian Military, Nga một lần nữa trì hoãn việc chuyển giao hai đơn vị còn lại của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 'Triumf' cho Ấn Độ. Hợp đồng này dự kiến sẽ bị lùi thời hạn đến năm 2026, trong khi đó kế hoạch ban đầu là vào năm nay.
Cũng theo Bulgarian Military, với bối cảnh địa chính trị phức tạp ở Nam Á hiện tại, việc Nga hoãn chuyển giao S-400 sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho Ấn Độ bởi New Delhi muốn sớm hoàn thành việc nâng lưới phòng không của nước này.
Vấn đề thực hiện hợp đồng S-400 cũng được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du hai ngày đến Moskva vừa qua. Mặc dù phía Nga cam kết xúc tiến vấn đề này nhưng vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể cho việc bàn giao sớm.
Một quan chức quốc phòng Ấn Độ chia sẻ với Bulgarian Military rằng: "Ấn Độ đã yêu cầu phía Nga trong các cuộc đàm phán gần đây đẩy nhanh việc giao hàng để đáp ứng các kế hoạch của không quân Ấn Độ. Đáp lại phía Nga cam kết sẽ xem xét vấn đề này".
Theo mốc thời gian mới của Nga, việc chuyển giao các tiểu đoàn S-400 thứ 4 và thứ 5 sẽ diễn ra lần lượt vào tháng 3 và tháng 10/2026.
Mặc dù Nga không nói rõ nguyên nhân việc trì hoãn chuyển giao tên lửa nhưng sự chậm trễ này ít nhiều liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Năm 2018, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD cho 5 tiểu đoàn S-400. Ba tiểu đoàn đầu tiên đã được Moskva chuyển giao và chúng đang được ở các khu vực biên giới phía đông và phía tây Ấn Độ nhằm đối phó các mối đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan.
Hệ thống S-400 với khả năng tác chiến linh hoạt có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu và UAV của đối phương bay cách xa tới 400km.
Ngoài xung đột Ukraine, những khó khăn trong việc thanh toán hợp đồng cũng dấn đến việc chuyển giao vũ khí chậm hơn. Đến tận năm 2023 vẫn có hơn 3 tỷ USD từ hợp đồng S-400 giữa Ấn Độ và Nga vẫn chưa thể được giải ngân. Cả hai bên đều đang nỗ lực tránh các giao dịch bằng USD nhằm tránh lệnh trừng phạt của Mỹ theo đạo luật CAATSA. Những nỗ lực thanh toán thông qua thỏa thuận thông qua đồng Rupee-RUB đều không thành công dù được ủng hộ từ lãnh đạo hai bên.
Việc Ấn Độ quyết tâm mua S-400 diễn ra trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các cuộc đụng độ giữa nước này với Pakistan (2019) và Trung Quốc (2020) dọc theo các tuyến biên giới nằm trong tranh chấp. Việc bố trí các hệ thống S-400 ở dãy Himalaya có khả năng vươn tới các sân bay của Trung Quốc và bao phủ tới 80% không phận của Pakistan.
Cũng trong chuyến thăm Nga vừa qua của Thủ tướng Modi, cả hai quốc gia đã tiến gần hơn đến việc hoàn tất việc thành lập các cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa S-400 tại Ấn Độ. Theo các nguồn tin, các cuộc đàm phán giữa công ty Ấn Độ và tập đoàn Almaz-Antey của Nga gần như đã hoàn tất.
Theo kế hoạch ban đầu các liên doanh Nga - Ấn sẽ thành lập hai trung tâm bảo dưỡng và bắt đầu sản xuất phụ tùng thay thế tại Ấn Độ vào năm 2028. Dự án này được phát triển dựa trên các cuộc thảo luận do Tổng giám đốc Rostec Sergey Chemezov khởi xướng vào năm 2019, trong đó xem xét việc sản xuất S-400 tại Ấn Độ.
S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, di động được thiết kế để thay thế tổ hợp S-300 do Liên Xô phát triển. Một tiểu đoàn S-400 cơ bản bao gồm 8 bệ phóng với 32 tên lửa, có giá khoảng 200 triệu USD. Mỗi bệ phóng có thể mang các loại tên lửa khác nhau với tầm bắn từ 40 đến 400km. Tiểu đoàn tên lửa cũng đi kèm hệ thống radar cảnh giới và xe chỉ huy.
Tính cơ động của S-400 cho phép triển khai hệ thống nhanh chóng. Hệ thống radar tiên tiến của nó cung cấp cho Ấn Độ khả năng giám sát sâu vào biên giới Trung Quốc-Pakistan, tăng cường phát hiện và phản ứng trước các mối đe dọa.
Cơ quan quốc phòng Ấn Độ sẽ đặc biệt quan tâm đến kịch bản F-16 đối đầu với S-400 được cho sắp diễn ra ở Ukraine, vì Pakistan đang vận hành phi đội F-16.
Ý kiến ()