Nga thận trọng với làn sóng lạm phát mới
Tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế vừa được tổ chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, lạm phát ở nước này đã được kiểm soát. Đây là tín hiệu vui cho nền kinh tế Nga, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, giới chức Nga vẫn bày tỏ thận trọng với kịch bản làn sóng lạm phát mới.
Tỷ lệ lạm phát hằng năm ở Nga trong tháng 5/2022 có thời điểm vượt mức 17%. Nhưng từ nửa cuối tháng 5, tình trạng tăng giá đã dừng lại. Tổng thống Nga V.Putin cho biết, lạm phát hằng tuần ở mức 0%. Điều này mang lại nhiều điểm tích cực, song cũng ẩn chứa không ít khó khăn. Nhà lãnh đạo Nga yêu cầu chính phủ nghiên cứu kỹ tình hình và đưa ra quyết sách phù hợp, kịp thời.
Điều gì giúp Nga kiểm soát lạm phát?
Theo giới chuyên gia, tốc độ gia tăng lạm phát từ 2 con số giảm xuống 0% ở Nga là do đồng rúp mạnh lên, nhu cầu trong nước giảm và nhập khẩu cũng giảm mạnh. Bà Natalya Milchakova, chuyên gia hàng đầu của công ty đầu tư Nga “Freedom Finance” nhận định, có nhiều yếu tố góp phần chặn đà tăng giá các mặt hàng trong nước. Trong đó, nhập khẩu giảm là một trong những yếu tố chính.
Chuyên gia này phân tích, thông qua các hoạt động ngoại thương, lạm phát được “xuất khẩu” sang các nước khác, trong đó có Nga. Khi nhập khẩu giảm, tác động của yếu tố này vào mức tăng lạm phát ở Nga cũng giảm theo.
Các chuyên gia ước tính, nhập khẩu vào Nga đã giảm 50% hoặc thậm chí hơn. Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô của công ty “Finam”, bà Olga Belenkaya nhận định, nhập khẩu giảm mạnh do các lệnh trừng phạt và những khó khăn về hậu cần đã làm giảm tác động của lạm phát thế giới lên mức lạm phát ở Nga.
Thực tế, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện ở mức cao nhất trong vài chục năm qua. Tại Mỹ, lạm phát trở thành một trong những vấn đề hàng đầu. Ở châu Âu, đà tăng giá các mặt hàng cũng khiến giới chức đau đầu. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ với hy vọng kiềm chế lạm phát.
Do hạn chế xuất khẩu, giá các mặt hàng ở Nga và trên thế giới hiện có sự khác biệt. Việc chính quyền Moskva hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, phân bón và các sản phẩm luyện kim theo giá thế giới đã tạo ra nguồn cung lớn bổ sung trong nước. Cũng theo các chuyên gia, giá nhiên liệu không tăng ở Nga đã giúp nước này vượt qua những thách thức thời gian qua.
Cụ thể, do các lệnh trừng phạt liên quan xuất khẩu, các nhà sản xuất dầu Nga đã lọc dầu nhiều hơn, làm tăng nguồn cung các sản phẩm dầu mỏ. Trong khi đó, người Nga bị hạn chế đi lại. Nguồn cung nhiên liệu ngày càng nhiều nhưng nhu cầu không tăng, đồng nghĩa giá nhiên liệu được duy trì ở mức hợp lý. Điều này trái ngược tình hình tại Mỹ và châu Âu, những nơi giá nhiên liệu liên tiếp lập đỉnh.
Kinh tế Nga vẫn cẩn trọng
Mức lạm phát hằng năm 2 con số giảm về 0% theo tuần cho thấy những kết quả tích cực, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các chuyên gia nhận định, về nguyên tắc, giảm phát kéo dài, hoặc tỷ lệ lạm phát thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga có thể là tín hiệu của sự cố về nhu cầu trong nền kinh tế.
Theo cơ quan thống kê Nga, trong tháng 4/2022, doanh thu bán lẻ trong nước đã giảm 9,7% so mức cùng kỳ năm ngoái. Trong lĩnh vực bán lẻ phi thực phẩm, mức sụt giảm này còn tồi tệ hơn.
Chuyên gia O.Belenkaya nhận định, nhu cầu sụt giảm có thể liên quan thu nhập thực tế của người dân và khả năng cung cấp tín dụng đều giảm, cũng như việc chuyển sang mô hình tiết kiệm do “e ngại” về tương lai. Do nhu cầu thấp, các nhà sản xuất có thể giảm giá hàng hóa trong ngắn hạn, song về mặt chiến lược, nhiều khả năng họ sẽ cắt giảm đầu tư, hoạt động sản xuất và nhân công. Điều này dẫn đến giảm thu nhập và nhu cầu của người dân, có thể kéo theo khủng hoảng.
Cũng theo bà Belenkaya, Ngân hàng Trung ương Nga nhận định, các doanh nghiệp sẽ phải trải qua một cuộc “chuyển đổi cơ cấu”. Nhưng để đưa ra quyết sách phát triển, doanh nghiệp cần nhìn thấy triển vọng về nhu cầu. Thực tế, lạm phát 0% ở Nga chỉ là mức tính theo tuần, vì vậy, theo các chuyên gia, mọi thứ vẫn có thể thay đổi.
Lạm phát lương thực toàn cầu dự kiến tăng trong mùa hè, song tại Nga, các chuyên gia dự báo, tình hình ổn định, do nhập khẩu giảm đáng kể nên lạm phát toàn cầu sẽ ít ảnh hưởng nền kinh tế Nga. Hơn nữa, trong mùa hè, thị trường Nga được cung cấp các loại rau quả trong nước. Hai yếu tố có thể làm tăng giá hàng hóa trong mùa hè là hệ số trượt giá lương hưu và một số phúc lợi xã hội trong tháng 6, cộng với việc tăng các khoản dịch vụ xã hội trong tháng 7.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, giá cả khó tăng mùa hè, song không loại trừ khả năng xảy ra làn sóng lạm phát mùa thu năm nay. Hiện, xuất khẩu giảm không nhiều, trong khi nhập khẩu giảm mạnh. Nhưng đến mùa thu, các lệnh trừng phạt có thể tác động mạnh hơn đến xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu có thể tăng lên, do chuỗi cung ứng được “sắp xếp” lại. Thêm nữa, đồng rúp có thể suy yếu, dẫn đến lạm phát, cộng với việc người tiêu dùng có thể bắt đầu chi tiêu trở lại, do lãi suất ngân hàng giảm.
Ngoài các yếu tố trên, yếu tố chính khiến kịch bản lạm phát trở lại là các nguồn dự trữ trước đó cạn kiệt. Nếu không thể thay thế bằng hàng nhập khẩu mới, thì việc thiếu cung, cộng với chi phí hậu cần tăng có thể kéo lạm phát gia tăng trở lại ở Nga.
Giới chuyên gia nhận định, đến cuối năm nay, lạm phát ở Nga có khả năng vẫn ở mức 2 con số. Theo bà Milchakova, Nga có thể kết thúc năm 2022 với mức lạm phát tiêu dùng khoảng 9%-13%, trước khi đạt mức 6%-8% vào năm sau. Dự báo lạm phát trở lại mức 4% vào năm 2024 của Ngân hàng Trung ương Nga có thể trở thành hiện thực, nếu các yếu tố địa chính trị không tác động mạnh nền kinh tế nước này.
Ý kiến ()