Nga sẽ tổ chức bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp vào ngày 1-7
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga và thành viên nhóm công tác chuẩn bị các đề xuất sửa đổi Hiến pháp, ông Putin nói: “Có một số ý tưởng đề xuất tổ chức bỏ phiếu vào ngày diễn ra cuộc diễu binh. Chúng ta không nên kết hợp lễ diễu binh với các sự kiện khác, nó là một dấu mốc quan trọng riêng biệt trong đời sống xã hội của đất nước. Cuộc diễu binh ngày Chiến thắng là một sự kiện thiêng liêng”.
Tổng thống Nga cũng kêu gọi người dân tích cực tham gia bỏ phiếu cho ý kiến về các sửa đổi Hiến pháp. Ông nói: “Tất nhiên, tôi cũng muốn kêu gọi người dân tích cực tham dự vào cuộc bỏ phiếu bởi chúng ta đang nói về đạo luật cơ bản của đất nước – bản Hiến pháp hình thành nên nền tảng đời sống đất nước, cuộc sống của chúng ta, của con em chúng ta, và nó sẽ xác định những nguyên tắc luật pháp, tư pháp chính trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ lao động cũng như các nguyên tắc hợp tác với các đối tác nước ngoài”. Ông nhấn mạnh: “Không phải vô cớ mà Hiến pháp lại được coi là đạo luật chính của đất nước. Tôi mong đợi các công dân Nga sẽ tham gia một cách tích cực vào việc xác định các nội dung của bản Hiến pháp trong cuộc bỏ phiếu về các sửa đổi Hiến pháp”.
Ông Putin lưu ý rằng một số nội dung của Hiến pháp Nga đang đứng trước nhu cầu cấp thiết cần sửa đổi, tới mức chúng đang được triển khai trước khi các đề xuất sửa đổi tương ứng được thông qua.
Hồi tháng 1-2020, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra đề xuất sửa đổi một số nội dung của Hiến pháp. Sau một cuộc thảo luận giữa nhóm công tác, Duma Quốc gia (tức Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga, bản dự thảo luật sửa đổi Hiến pháp đã được thông qua ngày 11-3, đồng thời cũng đã được phê chuẩn ở tất cả các khu vực của Nga.
Sau đó, ông Putin đã ký sắc lệnh xác định ngày tổ chức cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến toàn dân về các sửa đổi Hiến pháp vào ngày 22-4. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng phát tại Nga, cuộc bỏ phiếu đã bị tạm hoãn. Các đề xuất sửa đổi Hiến pháp sẽ chỉ có hiệu lực sau khi nó được thông qua trong cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến toàn dân.
Trong số những nội dung sửa đổi Hiến pháp được đưa ra lấy ý kiến, có các đề xuất tăng thêm quyền hạn của quốc hội và Tòa án Hiến pháp Nga và quy định Hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực cao hơn so với các thỏa thuận quốc tế. Hiến pháp sửa đổi cũng mở rộng nghĩa vụ của chính phủ trong lĩnh vực xã hội. Ngoài ra, nó cũng quy định người đứng đầu Nhà nước Nga chỉ được cầm quyền hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đối với tổng thống hiện thời, số nhiệm kỳ sẽ được tính lại từ đầu sau khi bản Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực.
Ý kiến ()