Nga sẽ hủy bỏ lệnh ngừng triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố nước này sẽ buộc phải hủy bỏ lệnh tạm dừng triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung sau sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Sputnik ngày 29-12 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định: "Ngày nay, rõ ràng là lệnh tạm dừng triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên thực tế đã không còn khả thi và sẽ phải bị hủy bỏ. Mỹ đã phớt lờ các cảnh báo và trên thực tế đã tiến hành triển khai các tên lửa loại này ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
Nga sẵn sàng thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng và việc sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik vừa qua là một ví dụ. Nếu tạo ra các mối đe dọa tên lửa mới cho Nga, đối phương sẽ nhận được sự đáp trả quyết liệt. Nga chỉ quan tâm đến việc loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của những mâu thuẫn chính về an ninh, trong đó việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông".
Ngày 8-12-1987, nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ký INF và văn bản chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung (từ 500 đến 5.500km).
Các bên tham gia INF đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu. Tuy nhiên, sau này, Mỹ và Nga đã nhiều lần chỉ trích lẫn nhau vi phạm INF. Kết quả là ngày 2-8-2019, Mỹ chính thức rút khỏi INF và Nga sau đó cũng đình chỉ hiệp ước này. Nga cáo buộc Mỹ tìm cách rút khỏi INF để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Ý kiến ()