Nga - Saudi Arabia “bắt tay” bình ổn thị trường dầu mỏ
Nga và Saudi Arabia tiếp tục có các động thái cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cường quốc năng lượng nhằm bảo đảm sự ổn định của thị trường dầu mỏ thế giới, sau khi nhà lãnh đạo hai nước có cuộc điện đàm tái khẳng định nỗ lực chung này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman ngày 6-9 đã có cuộc điện đàm, trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực và một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Trong đó, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết tăng cường nỗ lực phối hợp nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới.
Nhà lãnh đạo Nga và Saudi Arabia có động thái trên khi một ngày trước đó, hai nước cùng thông báo quyết định tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu tự nguyện thêm 3 tháng nữa, tức đến hết năm nay, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới. Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết chương trình cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, được bắt đầu áp dụng từ tháng 7, sẽ được kéo dài thêm 3 tháng nữa đến hết tháng 12-2023. Cũng theo Bộ này, Saudi Arabia sẽ tiến hành đánh giá hằng tháng việc cắt giảm sản lượng để cân nhắc có cần cắt giảm sâu hơn hoặc gia tăng sản lượng hay không.
Một nhà máy lọc dầu của Gazpromneft ở Moscow, Nga (ảnh minh họa). Ảnh: EPA |
Trong một thông báo tương tự, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga cũng sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm 300.000 thùng/ngày trong lượng dầu xuất khẩu của nước này đến hết năm nay. Theo RT, ông Novak khẳng định Nga sẽ xem xét việc cắt giảm tự nguyện mỗi tháng để cân nhắc khả năng giảm sâu hơn hoặc tăng sản lượng, tùy thuộc vào tình hình thị trường thế giới. Biện pháp này được thực hiện ngoài việc cắt giảm tự nguyện mà Nga đã công bố trước đó vào tháng 4-2023 kéo dài đến cuối tháng 12-2024.
Biện pháp cắt giảm nói trên được mô tả là tự nguyện vì nằm ngoài chính sách chính thức của OPEC , theo đó bắt buộc mọi thành viên không được miễn trừ phải chia sẻ hạn ngạch sản xuất.
Nga và Saudi Arabia hiện là hai trong số 3 nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới (sau Mỹ), với tổng thị phần khai thác chiếm khoảng 23% tổng sản lượng dầu thô toàn cầu. Đây cũng là hai quốc gia thành viên có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong Liên minh OPEC gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác.
Vài năm trở lại đây, hai nước vẫn có các động thái “bắt tay” nhau để chứng tỏ quyền lực cũng như vai trò của những cường quốc năng lượng trên thị trường dầu mỏ thế giới. Hơn nữa, trước những diễn biến khó lường trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn được đánh giá là hoạt động trái với các nguyên tắc cơ bản, các nỗ lực của Nga và Saudi Arabia được coi như một biện pháp phòng ngừa những rủi ro.
Hai nước tiếp tục có động thái cắt giảm sản lượng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại chi phí vay cao hơn ở Mỹ có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, qua đó làm giảm nhu cầu tổng thể, trong đó có nhu cầu về dầu ở nền kinh tế số 1 thế giới này.
Tuy nhiên, việc tiếp tục áp dụng biện pháp cắt giảm sản lượng dầu mỏ đối với Saudi Arabia hiện nay được cho rằng không phải là thời điểm phù hợp, trong bối cảnh nguồn cung dầu nước này đang phải cắt giảm theo quy định đã được thống nhất tại các cuộc họp của OPEC trước đó. Thậm chí, ông Justin Alexander, Giám đốc công ty tư vấn Khalij Economics đưa ra nhận định rằng, nỗ lực cắt giảm sản lượng này có thể khiến Saudi Arabia “trả giá” phần nào.
Nhưng Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco, ông Amin Nasser, lại khẳng định rằng, bất chấp các mức cắt giảm sản lượng gần đây, tập đoàn vẫn có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ông Amin Nasser nói vậy dù tháng 8 vừa qua, Saudi Aramco báo lãi 30,08 tỷ USD quý II, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng cho dù thế nào, Saudi Arabia vẫn quyết định cùng chung nỗ lực với Nga nhằm bảo đảm ổn định giá dầu trên thị trường thế giới thông qua việc cắt giảm sản lượng tự nguyện. Điều này tiếp tục củng cố những cam kết của các nước thành viên OPEC với các đối tác bên ngoài trong vấn đề này. Trước đây, Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais từng khẳng định việc sử dụng các biện pháp cắt giảm tự nguyện không thể hiện sự chia rẽ trong quan điểm chính sách giữa các thành viên của liên minh năng lượng này.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nga-saudi-arabia-bat-tay-binh-on-thi-truong-dau-mo-741849
Ý kiến ()