Nga sắp biên chế tàu tuần tra “Sergei Kotov” vào Hạm đội Biển Đen
Theo kế hoạch của Hải quân Nga, tàu tuần tra “Sergei Kotov” thuộc dự án 22160 sẽ được biên chế cho Hạm đội Biển Đen, nhằm gia tăng khả năng giám sát và chỉ thị mục tiêu trong khu vực.
Tăng cường sức mạnh trên biển
Bộ Quốc phòng Nga đã thông qua lịch trình thử nghiệm và sẽ chuyển giao các tàu tuần tra mới cho Hải quân. Dự kiến cuối năm nay, tàu tuần tra “Sergei Kotov” thuộc dự án 22160 sẽ được vào biên chế Hạm đội Biển Đen.
Đây là những tàu chiến mới, có khả năng mang theo máy bay không người lái và robot dưới nước. Trong một số trường hợp, hệ thống vũ khí có thể được tăng cường thêm bằng các tổ hợp thùng chứa di động. Căn cứ thường trực của con tàu sẽ ở khu vực Novorossiysk.
Tàu tuần tra “Sergei Kotov” sắp biên chế vào Hạm đội Biển Đen. Ảnh: TASS. |
Các cuộc thử nghiệm của con tàu hiện đang được hoàn tất tại nhà máy ở Kerch (Crimea). Lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu không chỉ có thủy thủ đoàn, mà còn có các đội kỹ thuật. Họ tiến hành kiểm tra hoạt động của các cơ cấu phụ trợ, tổ máy điện, phương tiện liên lạc và dẫn đường, thiết bị lái và các hệ thống thiết bị khác trên tàu.
Sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm trên biển, nhà máy đóng tàu cùng với thủy thủ đoàn sẽ chỉnh sửa lại hệ thống, thiết bị và cơ chế của tàu. Đồng thời tiếp tục chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của kế hoạch thử nghiệm cấp nhà nước.
Tàu tuần tra “Sergei Kotov” được đặt theo tên của thủy thủ xuất sắc của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Anh hùng Liên bang Xô viết, Chuẩn đô đốc Sergei Nikolayevich Kotov. Con tàu được khởi đóng vào tháng 5-2016 tại nhà máy Zelenodolsk.
“Sergei Kotov” sẽ trở thành con tàu thứ 4 của Dự án 22160. Trong trường hợp chiến sự bùng nổ, con tàu tham gia các hoạt động bảo vệ bờ biển và các căn cứ ven biển. Nó có thể được sử dụng để hộ tống các nhóm tàu chiến và tàu thương mại.
Tàu có lượng choán nước 1.300 tấn, đạt tốc độ 45km/giờ. Tàu có thể hiện diện dài ngày ở vùng biển xa (60 ngày). Thủy thủ đoàn gồm 80 người. Tàu được trang bị một bệ pháo 76mm, súng phóng lựu và súng máy Kord. Trên boong tàu có thể bố trí trực thăng Ka-27PS, đồng thời có thể sử dụng các máy bay không người lái và robot dưới mặt nước. Điều này giúp thuỷ thủ đoàn có thể theo dõi các tình hình trên bề mặt và dưới nước trong bán kính hàng trăm km.
Con tàu được chế tạo theo cấu trúc mô-đun, giúp nó có thể lắp đặt vũ khí hoặc thiết bị đặc biệt để giải quyết một số nhiệm vụ chiến đấu cụ thể. Hiện tại, các mô-đun tích hợp vũ khí và các thiết bị phụ trợ đang được thử nghiệm cho các tàu loại này. Trong số đó có hệ thống phòng không Redut và Pantsir-M, cùng với thiết bị chống tàu ngầm. Trong tương lai, các tàu Dự án 22160 có thể được trang bị tên lửa hành trình Calibre.
Từ Biển Đen tới Bắc Cực
Hiện nay, ngoài tàu “Sergei Kotov” sắp được biên chế, Hải quân Nga có 3 tàu tuần tra khác thuộc Dự án 22160 là “Vasily Bykov”, “Dmitry Rogachev” và “Pavel Derzhavin”. Tất cả chúng đều thuộc Hạm đội Biển Đen. Ngoài ra, Nga tiếp tục đóng thêm 2 tàu khác thuộc Dự án 22160 là “Victor Đại đế” và “Nikolay Sipyagin”.
Các tàu này được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ lãnh hải, tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế trên các vùng biển mở và biển đóng. Ngoài ra, chúng có thực thi nhiệm vụ trấn áp các hoạt động buôn lậu và cướp biển, tìm kiếm và hỗ trợ nạn nhân thảm họa hàng hải, giám sát môi trường, bảo vệ các tàu và phương tiện qua lại trên biển.
Tàu tuần tra “Sergei Kotov” là chiếc thứ 4 thuộc Dự án 22160. Ảnh: Iz.ru. |
Theo chuyên gia quân sự Dmitry Boltenkov, các tàu thuộc Dự án 22160 đã chứng tỏ khả năng thực chiến. Chúng không chỉ được sử dụng tích cực ở Biển Đen, mà còn ở khu vực Địa Trung Hải. Chúng có thể giám sát hiệu quả các tàu đơn lẻ hoặc các nhóm đối phương, đồng thời giúp chỉ định mục tiêu cho lực lượng hải quânhoặc các hệ thống tên lửa bờ biển Bal và Bastion.
Cụ thể, trong tuần vừa qua, tàu “Pavel Derzhavin” đã thực hiện nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của chiến hạm Mount Whitney và tàu khu trục Porter của Hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đen.
Tất cả các tàu thuộc Dự án 22160 đều được đóng để phục vụ ở Biển Đen, nhưng chúng có thể hoạt động không chỉ ở nhiều khu vực khác. Năm ngoái, tàu tuần tra “Vasily Bykov” đã được thử nghiệm tác chiến ở Bắc Cực. Dựa trên kết quả thu được, các chuyên gia khẳng định, các tàu thuộc dự án này hoàn toàn có thể tác chiến hiệu quả ở vùng Cực.
Ý kiến ()