Nga sẵn sàng cải thiện quan hệ với Đức
Moscow mong muốn cùng Berlin hợp tác giải quyết các thách thức chung để đưa quan hệ Nga-Đức trở lại quỹ đạo thông thường.
Hãng thông tấn TASS đưa tin, phát biểu khi tham dự Diễn đàn quốc tế Primakov Readings tại thủ đô Moscow (Nga) ngày 9-6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov khẳng định nước này đã sẵn sàng cùng Đức vượt qua cuộc khủng hoảng trong quan hệ song phương, đồng thời cho rằng nỗ lực này cần đến từ hai phía. “Chúng tôi muốn có mối quan hệ bình thường với Đức. Tuy nhiên, Berlin cũng phải thể hiện sự thiện chí để hai nước đạt được các thỏa thuận”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Đồng thời, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng đánh giá cao lập trường của Đức trước sức ép của Mỹ đối với dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2). Các tuyến đường ống của dự án đi qua lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết nhu cầu năng lượng của châu Âu và mang lại lợi ích kinh tế cho “lục địa già”. Dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2019 nhưng dự án bị ngưng trệ bởi chính quyền Washington áp đặt lệnh trừng phạt các công ty tham gia hoặc hỗ trợ xây dựng công trình. Phải sau đó một năm thì việc xây dựng mới được nối lại. Đức khẳng định “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án kinh tế thuần túy và ủng hộ việc hoàn tất dự án này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.Ảnh: Getty Images |
Thời gian qua, quan hệ Nga-Đức nói riêng và Nga-Liên minh châu Âu (EU) nói chung không mấy êm đẹp và có những lúc còn được coi là tịnh tiến đến điểm thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh kết thúc. Nguồn cơn xuất phát từ việc Berlin, cùng với Washington và Brussels, cáo buộc Moscow có liên quan tới vụ nhà hoạt động đối lập người Nga Alexei Navalny “bị nghi đầu độc” bằng chất độc thần kinh Novichok, tương tự như việc xảy ra với cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái tại London (Anh) năm 2018.
Phía Nga vẫn luôn phủ nhận cáo buộc này và đề nghị Đức cung cấp tất cả dữ liệu nước này có được, bao gồm kết quả xét nghiệm do Viện Dược lý và Độc chất của quân đội Đức tiến hành, cũng như “bằng chứng” mà Bộ Ngoại giao nước này sở hữu. Trong khi đó, Berlin kiên quyết đưa ra các biện pháp trừng phạt nếu Điện Kremlin không điều tra vụ đầu độc ông Navalny. Thậm chí, vào cuối tháng 2 vừa qua, tại một hội nghị kinh tế theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã cảnh báo về nguy cơ chấm dứt mọi quan hệ với Nga sau khi Moscow trục xuất các nhà ngoại giao Thụy Điển, Đức và Ba Lan với cáo buộc tham gia biểu tình trái phép liên quan đến việc Nga xử tù ông Navalny. Đáp lại, ba nước trên cũng đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga để trả đũa. Điều này đã khiến quan hệ Nga-Đức bước vào một giai đoạn khó khăn mới.
Tuy nhiên, những căng thẳng ngoại giao giữa Moscow và Berlin vẫn không thể che mờ hoàn toàn các lĩnh vực hợp tác song phương khác, trong đó hai bên là đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của nhau. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Nga sang Đức là nguyên liệu thô như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên; còn Nga nhập khẩu chủ yếu máy móc, phương tiện và phụ tùng từ Đức. “Chúng tôi cần nhau”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov từng nhấn mạnh như vậy.
Thực tế, Đức phải đối diện với nhiều áp lực từ Mỹ và cả các nước thành viên EU khác nếu muốn “sưởi ấm” lại mối quan hệ với Nga. Berlin đang rơi vào thế khó khi cần tính toán vừa duy trì lợi ích trong hợp tác với Nga, vừa thể hiện rõ lập trường, vị thế là một trong những “đầu tàu” của EU.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()