Nga nghiên cứu cấp “chứng chỉ vaccine”
Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga tối 17-3 cho biết “Bộ Ngoại giao Nga đang tham gia công tác liên ngành để thống nhất vấn đề cấp giấy chứng nhận cho người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Nga, cũng như tiến hành đàm phán để văn bản này được công nhận ở cấp quốc tế”. Bộ Y tế Nga sẽ là cơ quan nòng cốt thực hiện công tác này.
Chứng nhận dự kiến sẽ được cấp bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Tuy nhiên, để văn bản có hiệu lực, Nga sẽ phải tiến hành đàm phán ở cấp quốc tế để người dân có thể tự do qua lại biên giới với “giấy thông hành vaccine” trên.
Bên cạnh đó, Cơ quan chuyên trách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang tiến hành xây dựng “thông số kỹ thuật cho chứng chỉ số quốc tế về tiêm chủng”. Được biết, chuyên gia Nga cũng tham gia công tác này.
Cùng ngày, Cao ủy châu Âu về các vấn đề tư pháp Didier Reynders cho biết, đề xuất cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cần được thông qua ở cấp độ Ủy ban châu Âu (EC) và hệ thống này sẽ thống nhất giữa 27 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Ngoài ra, EC cũng sẽ làm việc với các quốc gia thứ ba để chứng chỉ số nói trên được công nhận bên ngoài EU. Ông Reinders đồng thời cũng khẳng định chứng chỉ tiêm chủng chỉ mang tính tạm thời, đến thời điểm WHO công bố đại dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi. Hiện EC đề xuất đưa vào “chứng chỉ xanh kỹ thuật số” các thông số như xác nhận người được cấp chứng chỉ đã tiêm phòng, xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu trên kênh truyền hình “Russia 1” tối 17-3, Giám đốc Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) Anna Popova cho biết, khoảng 10% số người sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 không xuất hiện khả năng miễn dịch, dù họ tiêm loại vaccine nào. Nói một cách khác, hiện tượng này có thể xảy ra với hầu hết các loại vaccine đang được chủng ngừa hiện nay.
Bà Popova cũng đồng thời cảnh báo, những người đã xuất hiện kháng thể với Covid-19 sau khi tiêm vaccine, vẫn cần tiếp tục đeo khẩu trang, bởi họ có thể vẫn mang mầm bệnh ngay cả khi đã có miễn dịch. Bà cho biết: “Một người có khả năng miễn dịch, song virus SARS-CoV-2 vẫn có thể được tìm thấy trong màng nhầy của mũi và vòm họng. Virus này còn sống và có khả năng lây nhiễm cho người khác”. Bởi vậy, bà Anna Popova khuyến cáo “tất cả những người tiêm chủng, cũng như người đã bị bệnh và có khả năng miễn dịch vẫn phải đeo khẩu trang để bảo vệ những người chung quanh”.
Bà Popova cũng cho biết, corona virus thường lây truyền giữa các thành viên sống cùng nhau, bởi vậy việc cách ly người có các triệu chứng cảm lạnh là biện pháp hết sức quan trọng và cần phải được tuân thủ ở mỗi gia đình. Bà Popova cũng thừa nhận tình trạng hiện nay tại Nga, sự lây nhiễm Covid-19 thường xảy ra trong gia đình và cho rằng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta biết xử lý tình huống đúng cách. Cụ thể, mọi quy tắc an toàn vệ sinh dịch tễ cần được tuân thủ nghiêm ngặt và nên cách ly càng sớm càng tốt người có triệu chứng cảm lạnh.
Trước đó, Giám đốc Rospotrebnadzor cũng khẳng định “chế độ đeo khẩu trang vẫn chưa bị hủy bỏ ở Nga, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm”. Trên thực tế, nhiều nơi ở Nga vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn có sự tiếp xúc với người từ nước ngoài trở về”. Trong khi đó, chế độ tự cô lập tại Nga đang dần được dỡ bỏ, đồng nghĩa nhóm dân số già sẽ đối mặt nhiều nguy cơ hơn.
Ý kiến ()