Nga nêu điều kiện nối lại viện trợ tài chính cho Ukraine
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vừa nêu 4 điều kiện để Moscow nối lại viện trợ tài chính cho Ukraine bao gồm: Ukraine cần công nhận nền độc lập của Crimea, cải cách hiến pháp, hạ nhiệt căng thẳng ở miền Đông và bảo đảm quyền lợi của cộng đồng người nói tiếng Nga tại Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. (Ảnh: Ria Novosti) |
Phát biểu sau cuộc thảo luận với người đồng cấp Đức Wolfgang Schauble ở thủ đô Washington (Mỹ) vào cuối tuần trước, ông Siluanov nhấn mạnh: “Nếu như Ukraine thỏa mãn 4 điều kiện trên, Nga sẽ xem xét tới các bước tiếp theo để hỗ trợ bổ sung cho Ukraine, bao gồm cả về mặt tài chính và khí đốt”.
Bên cạnh đó, ông Siluanov cũng nêu rõ, các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng ở miền Đông Ukraine cần được thực hiện một cách hòa bình “không phân biệt đối xử nhằm chống lại cộng đồng người nói tiếng Nga và không gây đổ máu”. Bộ trưởng Tài chính Nga nhấn mạnh tính cần thiết của việc thực hiện lộ trình cải cách hiến pháp ở Ukraine, tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống hợp pháp nhằm hình thành nên một chính phủ mới và “có thể tiến hành đàm phán”.
Trước đó, ông Siluanov cho biết, Ukraine có khả năng sẽ nhận được một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các đối tác phương Tây. Quan chức này nhấn mạnh: “Tổng số tiền hỗ trợ lên tới 6 tỷ USD với tỷ lệ chia đều cho IMF và các nước phương Tây…Tuy nhiên, theo như những gì tôi được biết thì hiện quyết định cuối cùng về vấn đề này vẫn chưa được đưa ra”. Theo ông Siluanov, nếu như Ukraine nhận được khoản tiền này thì sẽ có đủ cơ sở để khẳng định Kiev có thể thực hiện đầy đủ mọi cam kết đã thông qua, bao gồm việc thanh toán các khoản mua khí đốt của Nga.
Theo số liệu thống kê của phía Nga, hiện khoản tiền nợ mua khí đốt của Ukraine đã lên tới 2,2 tỷ USD. Ngày 10/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết thư gửi lãnh đạo 18 nước châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, nhằm cảnh báo rằng tình trạng nợ nần của Ukraine đang “rất nghiêm trọng” và có thể đe dọa đến việc trung chuyển khí đốt tới châu Âu. Qua đó, nhà lãnh đạo này kêu gọi các biện pháp hợp tác khẩn cấp, đặc biệt là từ các đối tác phương Tây để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng “hiện vẫn còn nhiều lý do để nghiên cứu thông điệp này (của Tổng thống Putin), trước khi châu Âu có thể đưa ra một phản ứng chung”.
Theo CPV
Ý kiến ()