Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và lãnh đạo các nước tại lễ bế mạc. Trước đó, từ năm 2005, Nga và sau đó là Mỹ đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Hội nghị Cấp Cao Đông Á, diễn đàn gồm các quốc gia ở châu Á được các lãnh đạo của 16 quốc gia Đông Á và khu vực lân cận tổ chức mà Khối ASEAN là trung tâm.
Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo đã đề xuất để Nga và Mỹ được chấp nhận gia nhập EAS từ hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội hồi tháng 7 vừa qua. Và tại hội nghị ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo EAS đã nhất trí quyết định chính thức mời Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á từ năm 2011, dựa trên mục tiêu, thể thức và ưu tiên của Cấp cao Đông Á, cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc này.
Sau khi có quyết định mời chính thức, Ngoại trưởng Nga Larov và Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã tham dự phần hai của Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 5 và có bài phát biểu trước Hội nghị. Theo ông Trần Ngọc An, phát ngôn viên của Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị liên quan, cả bà Clinton và ông Larov đều bày tỏ mong muốn ủng hộ và đóng góp tích cực cho EAS.
Cũng liên quan đến quyết định này, các nhà lãnh đạo EAS đã chính thức mời Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á lần 6 tại Indonesia vào năm sau 2011.
Ngoài quyết định chính thức mời Nga, Mỹ gia nhập EAS, Hội nghị EAS lần 5 còn nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 5 năm thành lập cấp cao Đông Á. Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị Cấp cao Đông Á đã phát triển năng động sau 5 năm được thành lập, trở thành diễn đàn đối thoại, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, đặc biệt trên các lĩnh vực giáo dục, phòng chống cúm gia cầm, năng lượng, tài chính… và mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực như phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo EAS nhất trí tiến hành nghiên cứu thành lập Khu vực mậu dịch tự do cho Đông Á. Theo ông Trần Ngọc An, kế hoạch thành lập khu vực này đang ở trong giai đoạn khởi đầu, nhưng nếu thành hiện thực, đây sẽ là Khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, tạo điều kiện phát triển cho ASEAN.
Ý kiến ()