Nga cho rằng Mỹ chưa sẵn sàng gia hạn START mới
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov
Phát biểu sau cuộc họp, ông Ryabkov, người dẫn đầu phái đoàn Nga tham gia đàm phán, nêu rõ: “Chúng tôi không cảm nhận được việc Mỹ có sẵn sàng chấp nhận quan điểm của Nga, ủng hộ việc gia hạn START mới, mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào hay không”. Tại cuộc họp này, các nhà đàm phán hai nước mới chỉ dừng lại ở việc nhất trí thành lập các nhóm công tác để bàn thảo chi tiết về những vấn đề liên quan, bao gồm cả số phận của START mới. Vòng đàm phán tiếp theo giữa phái đoàn Nga, do Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov dẫn đầu, với phái đoàn Mỹ, do đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea dẫn đầu, có thể được tổ chức vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8 tới, tùy thuộc kết quả làm việc của các nhóm công tác này.
Thứ trưởng Ryabkov cho rằng thời gian để thảo luận về số phận START mới đang ngày càng rút ngắn, khi mà thời điểm 5-2-2021 đang tới gần. Đây là thời điểm mà Hiệp ước START mới, sẽ hết hiệu lực, nếu không được hai bên nhất trí gia hạn. Trong khi đó, Mỹ kiên quyết cho rằng Trung Quốc phải tham gia thỏa thuận, dù Nga cho rằng đòi hỏi điều này là phi thực tế, bởi số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc so với Nga và Mỹ là không đáng kể. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng nêu rõ quan điểm không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên nào với Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, việc hai bên nhất trí thành lập các nhóm công tác để tiếp tục duy trì đối thoại về START mới, có thể xem như những tia hy vọng cho phép duy trì văn bản pháp lý duy nhất còn hiệu lực này về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, chấm dứt thực hiện các chuyến bay giám sát hoạt động quân sự của nhau từ trên không. Trước đó, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ được ký năm 1988, cũng bị đổ vỡ sau một quyết định tương tự từ phía Washington.
Hiệp ước START mới, được ký năm 2010, quy định mỗi bên chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai. Giới chuyên gia nhận định START mới là một thành công trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân, khi so sánh với thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện có thể mang bom hạt nhân tiến công.
Thời gian qua, chỉ có phía Nga đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới thêm năm năm mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, bởi lập trường của Moscow coi văn kiện này như “hòn đá tảng đối với nền an ninh thế giới”. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump thời gian qua luôn thể hiện sự hoài nghi “di sản” của người tiền nhiệm Barak Obama. Hầu hết các thành quả dưới thời ông Obama đều bị chính quyền của Tổng thống Trump coi như “thất bại”, được đánh giá là “không mấy thuận lợi dành cho nước Mỹ”. Chính vì lẽ đó, có thể thấy rõ từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã “đảo ngược” một loạt chính sách của người tiền nhiệm, rút khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế.
Trong khi đó, tình hình chính trị-quân sự trên thế giới trong 10 năm qua, kể từ khi Nga-Mỹ ký START mới cũng có nhiều thay đổi. Vị thế địa chính trị của nước Nga ngày nay đã hoàn toàn khác trước, được minh chứng bằng vai trò của Nga tại khu vực Trung Đông, trong câu chuyện tại Syria, hay việc Nga không ngừng củng cố tiềm lực quân sự-quốc phòng, dường như đang trở thành những lý do khiến Washington e ngại, cho rằng việc gia hạn START mới sẽ tạo những rủi ro nhất định. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, có vẻ Washington đang muốn có được thế thượng phong trên bàn thương lượng về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược. Điều này có thể đồng nghĩa việc Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép trong đàm phán về tương lai của START mới. Nói cách khác, với quan điểm “Nước Mỹ là trên hết” và chính sách mà Tổng thống Trump thực thi kể từ khi lên nắm quyền, không thể loại trừ khả năng START mới cũng rơi vào kết cục giống như INF hay Hiệp ước Bầu trời mở.
Ý kiến ()