Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh thế giới mới
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết lập trường của Moscow là không thể chấp nhận một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng đưa ra cảnh báo nguy cơ dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ ba.
Theo Reuters, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đưa ra nhận định trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình nhà nước vào ngày 25-4. Cụ thể, Ngoại trưởng Nga được hỏi về tầm quan trọng của việc ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ ba cũng như liệu tình hình căng thẳng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đến nay có giống khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 hay không. “Tôi không muốn nguy cơ này bị thổi phồng một cách giả tạo… Tuy nhiên, mối đe dọa đó là nghiêm trọng và có thật. Chúng ta không thể đánh giá thấp nó”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Moscow đã và đang nỗ lực để làm giảm nguy cơ này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga |
Trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine không có dấu hiệu sớm kết thúc và các cuộc thương lượng hòa bình vẫn chưa mang đến kết quả rõ rệt, nguy cơ leo thang thành xung đột hạt nhân và dẫn đến một cuộc chiến lan rộng giữa Nga và phương Tây đang gia tăng. Đơn cử, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng tuyên bố nước này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trong khu vực, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết, việc các nước thành viên NATO viện trợ vũ khí cho Kiev về bản chất là đang tham chiến với Moscow và khiến cuộc xung đột kéo dài hơn; khẳng định rằng Điện Kremlin coi vũ khí của phương Tây là mục tiêu tấn công chính đáng ở Ukraine.
Liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, hãng thông tấn TASS dẫn lời Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga ngày 26-4 cho biết, các lực lượng vũ trang nước này tiếp tục sử dụng vũ khí chính xác cao nhắm vào những mục tiêu quân sự của Ukraine, trong đó tập trung vào các sở chỉ huy, khu vực đóng quân, kho chứa khí tài, hệ thống phòng không… Thiếu tướng Konashenkov nêu rõ: “Lực lượng tên lửa và pháo binh Nga đã hoàn thành 1.299 nhiệm vụ khai hỏa tại Ukraine trong 24 giờ qua”. Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, binh sĩ nước này đơn phương ngừng bắn để cho phép dân thường rời khỏi nhà máy cán thép Azovstal tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine, đồng thời cho biết sẵn sàng ngừng bắn tại nhà máy này nếu các binh sĩ Ukraine ở đây hạ vũ khí.
Cũng trong ngày 26-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện hơn 40 quốc gia tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein (Đức) nhằm thảo luận vấn đề cung cấp khí tài quân sự cho Ukraine. Trước đó, ngày 25-4, lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden, Bộ Ngoại giao Mỹ đã viện dẫn tuyên bố khẩn cấp để phê duyệt hợp đồng đạn dược trị giá 165 triệu USD cho Ukraine. Theo quy định, các thương vụ bán vũ khí lớn của Mỹ cần phải được lưỡng viện Quốc hội thông qua, nhưng với việc sử dụng tuyên bố khẩn cấp trên, chính quyền Washington có thể bỏ qua khâu này để bán vũ khí cho Kiev. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh thông báo London sẽ chuyển giao tổ hợp phòng không tự hành Stormer cũng như nhiều xe bọc thép, tên lửa chống hạm và đạn dược công nghệ cao cho Ukraine. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh còn quyết định hủy bỏ mọi mức thuế áp đặt với hàng hóa của Ukraine xuất khẩu sang xứ sở sương mù theo một thỏa thuận thương mại tự do hiện hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế quốc gia Đông Âu này.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()