Nga bắt đầu tập trận với tên lửa chiến lược Yars
Quân sự thế giới hôm nay (28-3) có những tin đáng chú ý sau: Các quốc gia Đông Nam Á hiện đại hóa vũ khí, khí tài; Nga bắt đầu tập trận quy mô lớn với tên lửa chiến lược Yars và bắn hạ bom thông minh GLSDB của Mỹ.
* Lực lượng tên lửa chiến lược Nga bắt đầu tập trận chỉ huy – tham mưu quy mô lớn. Ngày 29-3, hãng tin Nga TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắt đầu cuộc tập trận với sự tham gia của Đơn vị tên lửa Omsk và Đơn vị tên lửa Novosibirsk được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars.
Thông báo có đoạn: “Về tổng thể, cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của hơn 3.000 quân nhân và khoảng 300 khí tài quân sự. Một ủy ban do Bộ Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến thành lập sẽ đánh giá năng lực hiệp đồng tác chiến và hoàn thành nhiệm vụ của các bộ phận”. Ngoài ra, Lực lượng tên lửa chiến lược cũng sẽ huấn luyện biện pháp ngụy trang và đối phó với các hệ thống do thám trên không hiện đại của đối phương. Các lực lượng tập trận cũng sẽ đặc biệt chú ý đến các loại máy bay không người lái.
Nga bắt đầu tập trận với tên lửa chiến lược RS-24 Yars. Ảnh: Reuters |
Cuộc tập trận là một phần trong chương trình huấn luyện chiến đấu định kỳ trong năm 2023 và sẽ diễn ra ở 3 khu vực ở Nga (TASS không xác định rõ địa điểm).
Trong một diễn biến liên quan, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lực lượng Nga đã đánh chặn thành công bom thông minh GLSDB của Mỹ. Theo thông báo ngày 29-3 của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng nước này đã bắn hạ tổng cộng 18 tên lửa HIMARS và 1 bom GLSDB. Bom thông minh GLSDB do Boeing và Saab phối hợp sản xuất có bổ sung động cơ tên lửa được thử nghiệm lần đầu năm 2015. Có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 150km, bom GLSDB cũng nằm trong danh mục vũ khí viện trợ cho Ukraine. Tên lửa Tor-M2, Buk-M3 và S-350 của Nga hoàn toàn có khả năng tiêu diệt loại bom thông minh này.
* Cơ quan Khoa học và công nghệ quốc phòng Singapore (DSTA) và nhà thầu quốc phòng Saab đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các loại tàu chiến thế hệ tiếp theo. Theo biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ cùng thực hiện các sáng kiến trong ba lĩnh vực là hỗ trợ dài hạn, phát triển con người và công nghệ thông minh. Cụ thể, DSTA và Saab sẽ hợp tác phát triển và thiết kế tàu chiến đấu đa năng (MRCV) mới cho Hải quân Singapore, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ phân tích dữ liệu để hiện thực hóa ý tưởng phát triển một con tàu MRCV kỹ thuật số cao. Thông qua thỏa thuận hợp tác này, DSTA cũng thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trong nước trong lĩnh vực thiết kế tàu mặt nước, công nghệ tàu hải quân và công nghệ kỹ thuật số.
DSTA và Saab hợp tác đóng tàu chiến thế hệ mới. Ảnh: Military Leak |
Ông Mats Wicksell, Phó Chủ tịch cấp cao – Giám đốc kinh doanh nhà máy đóng tàu Saab Kockums, cho biết: “Thỏa thuận này là kết quả của nhiều năm hợp tác giữa Saab và DSTA và là sự ghi nhận về lợi thế cạnh tranh của chúng tôi trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng trong tương lai. Chúng tôi mong đợi một sự hợp tác sâu sắc hơn mà chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên”.
Saab là nhà thầu quốc phòng có uy tín của Thụy Điển. Với đội ngũ nhân viên hùng hậu 19.000 người, Saab không ngừng vượt qua các ranh giới công nghệ để thiết kế, sản xuất và bảo trì các hệ thống hàng không, vũ khí, chỉ huy và kiểm soát, cảm biến và hệ thống dưới nước tiên tiến.
* Philippines sẽ nhận 2 tàu tuần tra lớp Cyclone từ Mỹ, tăng cường năng lực hàng hải cho quốc gia quần đảo ở khu vực Đông Nam Á này. Naval News đưa tin, ngày 29-3 đã chính thức diễn ra lễ giải biên đối với hai tàu tuần tra USS Monsoon và USS Chinook, sẵn sàng lên đường chuyển giao cho Hải quân Philippines.
Tàu tuần tra BRP General Mariano Alvarez trong một hoạt động tác chiến quanh khu vực Mindanao năm 2012. Ảnh: Hải quân Philippines |
Trước đó, năm 2004 Philippines đã nhận 1 tàu tuần tra lớp Cyclone và đưa vào biên chế sử dụng với tên gọi BRP General Mariano Alvarez (PS-38). Đây là một phần trong gói hỗ trợ tăng cường năng lực chống khủng bố và an ninh hàng hải của Mỹ. Sau khi tiếp nhận tàu BRP General Mariano Alvarez, Lực lượng tác chiến ven bờ của Hải quân Philippines đã liên tục và tiếp tục tìm cách mua sắm thêm các tàu lớp Cyclone, phù hợp với hoạt động tuần tra của lực lượng. Với việc Cảnh sát biển Mỹ đang loại biên một loạt tàu tuần tra, Hải quân Philippines đã nhanh chóng tiếp cận và cử đoàn nghiên cứu tới cả Hawaii và Bahrain, nơi có căn cứ hải quân của Mỹ có trang bị tàu tuần tra lớp Cyclone, để xem có thể tiếp nhận được tàu nào trong số tàu loại biên đó.
Hai tàu tuần tra lớp Cyclone có thể được chuyển giao cho Hải quân Philippines theo Chương trình EDA (chương trình khí tài dư thừa) chính phủ Mỹ dành cho Philippines năm 2021. Là một quốc gia quần đảo, Hải quân Philippines đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh quốc gia trên biển. Tuy nhiên, lực lượng này hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tàu chiến và nhiều trang thiết bị đang rơi vào tình trạng lạc hậu. Hai tàu lớp Cyclone khi được đưa vào biên chế sẽ giúp tăng cường năng lực tuần tra cho lực lượng Hải quân Philippines.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-29-3-nga-bat-dau-tap-tran-voi-ten-lua-chien-luoc-yars-723252
Ý kiến ()