Nga bàn việc tổ chức tiêm chủng đại trà cho người dân
Ngày 11-8, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Điều phối chống dịch Covid-19 trực thuộc Chính phủ Nga, đã chủ trì cuộc họp của Nhóm công tác trực thuộc Hội đồng này, với sự tham gia của những người đứng đầu cơ quan hành pháp liên bang và các thống đốc khu vực.
Nội dung chính tại cuộc họp là thảo luận việc tổ chức tiêm vaccine phòng, chống virus corona cho người dân thuộc các nhóm nguy cơ, dự báo sự lây lan của virus corona ở một số khu vực của Nga và việc tăng cường số giường bệnh phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cuộc họp cũng đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng chẩn đoán các loại bệnh viêm phổi mắc phải tại cộng đồng để phân luồng bệnh nhân tốt hơn.
Bên cạnh đó, nhóm công tác cũng trao đổi về các biện pháp an toàn dịch tễ tại các khu du lịch, công tác chuẩn bị cho mùa thu đông sắp tới, vốn là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và virus gia tăng, cũng như chuẩn bị tổ chức mở lại các lớp học toàn thời gian khi thời điểm khai giảng năm học mới đang tới gần.
Trong khi đó, tính từ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố việc nước này đăng ký vaccine Sputnik V đầu tiên trên thế giới, đến nay, Nga đã nhận được yêu cầu đặt mua hơn một tỷ liều vaccine từ 20 quốc gia.
Nói về Sputnik V, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết khả năng miễn nhiễm virus corona có thể kéo dài đến hai năm sau khi tiêm chủng, đồng thời khẳng định Sputnik V được phát triển trên một nền tảng nổi tiếng của nền y học Nga, mà trước đó đã điều chế và sản xuất sáu loại vaccine khác. Loại vaccine này được sử dụng theo đường tiêm, với một liều là hai mũi tiêm và nó chỉ được sử dụng trong các cơ sở y tế. Vaccine được đựng trong lọ có thể tích 0,5 ml, được bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C và có thời hạn sử dụng sáu tháng.
Ông Murashko cho biết, sau các nhân viên y tế và giáo viên, là những người được tiêm chủng đầu tiên vào khoảng cuối tháng 8 hoặc trong tháng 9, việc tiêm chủng đại trà trong dân chúng có thể bắt đầu từ ngày 1-1-2021 và việc tiêm chủng là tự nguyện. “Tuy nhiên, bất chấp việc đăng ký và giới thiệu nhanh chóng, Sputnik V sẽ tiếp tục được trải qua các thử nghiệm lâm sàng cần thiết với sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên”, Bộ trưởng Y tế Nga Murashko nói thêm.
Trong lịch sử tồn tại Tổ chức Y tế Thế giới, tốc độ phát triển một loại vaccine nhanh như vậy được coi là chưa từng có. Để phát triển một loại vaccine thường đòi hỏi một quá trình dài và tốn kém, không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn phải trải qua nhiều thời gian, thậm chí phải tính bằng năm, để thử nghiệm về độ an toàn và tính hiệu quả của nó.
Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa Nga Lyudmila Lapa được Báo “Moscow 24” dẫn lời cho rằng: “Không nhất thiết phải tiêm vaccine cho bệnh nhân trong mọi trường hợp, vì cơ thể mỗi người có thể có những phản ứng khác nhau”. Theo bà, nhìn chung những người khoẻ mạnh có thể tiêm phòng, để cơ thể hình thành phản ứng miễn dịch tốt và sẵn sàng “đối mặt” với virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, trước khi tiêm vaccine, vẫn cần phải xét nghiệm tìm kháng thể với virus. “Nếu bạn đang ốm hoặc thậm chí dễ bị ốm, chứng tỏ đã có một số kháng thể trong người, thì về nguyên tắc không cần phải vội vàng tiêm chủng”, bác sĩ Lapa giải thích thêm.
Ý kiến ()