NFSC: Năm 2015 tăng trưởng thuận hơn nhờ yếu tố bên trong
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) vừa đưa ra nhận định, theo đó năm 2015 sẽ tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng thuận lợi hơn chủ yếu nhờ yếu tố bên trong. Dự báo tốc độ tăng trưởng quý I-2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.
Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định
Về những thuận lợi của nền kinh tế năm 2015, theo NFSC nhận định, tổng cầu sẽ hồi phục trong năm 2015 do tiêu dùng phục hồi nhờ lạm phát thấp trong năm 2014 sẽ giúp cải thiện sức mua của người dân. Đầu tư tư nhân cải thiện do môi trường kinh tế vĩ mô cùng với những cải cách thể chế sẽ tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình.
NFSC cho rằng, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn với triển vọng TPP được ký kết trong năm 2015. Bên cạnh đó, việc sửa đổi và dự kiến sửa đổi nhiều Luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… cũng tạo điều kiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Đồng thời xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của NFSC, tổng cung cũng được cải thiện nhờ quá trình tái cơ cấu dần phát huy tác dụng đối với năng suất của nền kinh tế. Hơn nữa, giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm sẽ tạo điều kiện cho DN cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy tổng cung trong nước.
Về tỷ trọng của xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu trong tổng giá trị công nghiệp, theo NFSC với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng thì giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%.
Giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách. NFSC cho rằng, với dự báo giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60 USD/thùng, thì ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37 nghìn tỷ đồng so với dự toán, và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014. Bên cạnh đó, giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014 thì với giá dâu như trên thì thu ngân sách sẽ hụt thêm khoảng sáu nghìn tỷ đồng. Do vậy, tổng mức hụt thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43 nghìn tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015.
Duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn
NFSC đánh giá, giá xăng dầu giảm trong năm 2015 là cơ hội thuận lợi cho DN tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất. Để DN tận dụng cơ hội này thì chính sách thuế nhập khẩu, phí nhập khẩu xăng dầu cần bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu ngân sách và mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chính sách quản lý giá cần biện pháp đối với các DN sử dụng nhiều nhiên liệu vào phải điều chỉnh giá bán thích hợp để tạo điều kiện cho các DN giảm giá thành.
Với xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới trong năm 2015, NFSC cho rằng, cần có các biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, quản lý nhập khẩu. Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng cần có các biện pháp khuyến khích tiêu dùng trong nước thông qua phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm.
Mặc dù tình hình các DN nhìn chung đã được cải thiện nhưng các DN vừa và nhỏ còn không ít khó khăn. Do đó, trong năm 2015, theo NFSC thì cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tăng thêm cơ hội cho các DN, nhất là việc triển khai có hiệu quả Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi). Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Mặc dù năm 2015 sẽ có những cải thiện về đầu tư tư nhân nhưng nhìn chung để duy trì được tốc độ tăng trưởng dài hạn, NFSC kiến nghị, nhất thiết phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN, thị trường tài chính, có biện pháp nâng cao năng suất chung của nền kinh tế. Bên cạnh việc tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, thì cần phải thực hiện tái cơ cấu từng ngành, từng DN.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()