Nếu mai này hết núi
Kiên Lương là địa danh có nhiều danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước, là điểm nhấn cho du lịch của Kiên Giang. vùng đất có hòn Phụ Tử kết hợp với dãy Hòn Chông, những ngọn núi đá lớn nhỏ từ đất liền chạy ra biển được mệnh danh “tiểu Hạ Long phương nam”. Nhưng giờ còn đâu!
Kiên Lương là địa danh có nhiều danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước, là điểm nhấn cho du lịch của Kiên Giang. vùng đất có hòn Phụ Tử kết hợp với dãy Hòn Chông, những ngọn núi đá lớn nhỏ từ đất liền chạy ra biển được mệnh danh “tiểu Hạ Long phương nam”. Nhưng giờ còn đâu!
Sự kiện một đêm mưa gió tháng tám năm 2006, hòn Phụ nằm trong tổ hợp hòn Phụ Tử bất ngờ đổ sập xuống biển càng làm lòng người tò mò bởi lời truyền hòn Phụ Tử là chuyện kể tiếp về truyền thuyết hòn Vọng Phu. Hòn Phụ gãy rơi xuống biển là người cha trở về phương bắc tìm thăm người vợ và đứa con còn ẵm trên tay.
Hòn Phụ mất đi đã gây nên sự nuối tiếc của nhiều người. Tỉnh Kiên Giang đã tính chuyện phục dựng, tổ chức nhiều cuộc hội thảo quy tụ hàng trăm nhà khoa học, tiêu tốn nhiều thời gian, tiền của nhưng cuối cùng dự án “vá núi” chìm vào quên lãng.
Tiếp chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương Lê Hùng Lĩnh lắc đầu, thở dài khi nói về những dự án “phá núi” đã cấp phép. Với vai trò Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kinh tế hơn hai năm, ông Lĩnh không thể nhớ nỗi hiện có bao nhiêu dự án “phá núi” đang triển khai và có bao nhiêu doanh nghiệp đang tham gia “phá núi”.
“Không thể nhớ được vì họ có xin mình đâu. Địa phương tham gia quản lý, nhưng quyền cấp phép của tỉnh, nhiều dự án cấp phép xong huyện mới biết, có dự án cấp phép hoạt động mãi huyện mới biết. Với lại, một doanh nghiệp tham gia khai thác nhiều núi và một núi cũng có đến mấy doanh nghiệp tham gia khai thác. Có nhiều ngọn núi huyện không đồng ý, nhưng rốt cuộc, tỉnh vẫn cấp phép”.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Hiền nhắc đến một danh sách 24 doanh nghiệp đang tham gia phá hàng chục quả núi ở Kiên Lương. Trong số này có nhiều ngọn núi là sản phẩm của ngành du lịch như: Núi Mây, núi Huỷnh, dãy núi Mo So…
Đứng đầu danh sách “phá núi” là các “đại gia” xi-măng như: Công ty xi-măng Holcim đang khai thác ba núi: Bãi Vôi, Sơn Trà Lớn, Khoe Lá. Công ty xi-măng Hà Tiên II đang khai thác hai núi: Núi Trầu, núi Còm. Công ty xi-măng Kiên Giang khai thác núi Khoe Lá, Lò Vôi nhỏ. Công ty xi-măng Hà Tiên-Kiên Giang khai thác Hang Cây Ớt. Công ty xi-măng Hà Tiên khai thác núi Túc Khói…
Thời gian qua, Kiên Lương thu hút được 81 dự án đầu tư, số vốn lên đến hàng tỷ USD, chỉ đứng sau đảo Phú Quốc về số lượng. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 37 dự án hoạt động, thì có đến 24 dự án “phá núi” và không có dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch nào được triển khai. Các dự án du lịch hoặc đã thu hồi – Công viên Ba Hòn và khu du lịch Bãi Dương của Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang, hoặc đang xem xét thu hồi – dự án xây dựng khu du lịch Hòn Phụ Tử cũng của Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang.
“Tôi không hiểu sao tỉnh lại giao dự án khu du lịch Hòn Phụ Tử cũng của Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang. Từ khi nhận dự án đến nay họ có đầu tư xây dựng gì đâu, cơ sở có sẵn, họ chỉ xây cổng rồi thu tiền. Nhiều lần, huyện đề nghị tỉnh giao lại khu này cho huyện quản lý nhưng không xong. Du khách giờ rất ít đến địa điểm này vì rất nhếnh nhác. Nhưng các tour tham quan các hòn đảo trong quần đảo Bà Lụa thì rất đông, nhưng phần đông người dân tự phát tổ chức”- ông Lĩnh cho biết.
– Huyện hưởng lợi gì từ những dự án “phá núi” này ? – Tôi chợt hỏi.
– Có, tạo việc làm cho người lao động. Hằng năm, họ cũng đóng góp các nguồn quỹ – ông Lĩnh ngập ngừng trả lời.
– Những dự án “phá núi” có ảnh hưởng gì đến cuộc sống người dân?
– Ảnh hưởng cũng có. Họ nổ mìn khai thác, bụi đá văng sang ruộng, rẫy, nhà dân. Mùa nắng, các xe tải nặng chở nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường và hư hỏng mặt đường – ông Lĩnh trả lời.
Để mục sở thị tình hình núi non, chúng tôi nhờ anh Hiền làm người dẫn đường. Buổi trưa nắng gắt ngột ngạt, nóng bức, nhiệt độ ở đây cùng thời điểm có thể cao hơn TP Rạch Giá khoảng 2 độ C. Con đường độc đạo đi vào “xóm núi”, cũng là đường đi vào khu du lịch Hòn Phụ Tử rộng năm mét, bên là rừng phòng hộ, biển, bên đồng cát sỏi. Xa xa, những ngọn núi đang bị cưa ngọn, chẻ đôi, đào sâu, nhiều hình thù khác nhau. Trên trời, những cụm mây đen kết lại từ những ống xả khói của các nhà máy xi-măng. Mắt, mũi, tai của chúng tôi ngột ngạt vì bụi lẫn trong không khí.
Xe gắn máy chạy được dăm phút, anh Hiền chỉ tay vào một bãi đất trống hoác, phía biển nhưng rừng phòng hộ không còn nói là nơi xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương công suất 4.400 MW, tổng vốn lên đến 6,7 tỷ USD. Dự án từng “phá núi” lấy vật liệu san lấp mặt bằng, phía đồng cát còn hằng những ao sâu, rộng rất nguy hiểm. Dự án này đã ngừng hoạt động hơn 30 tháng, vì nhà đầu tư không có vốn.
Chạy thêm một lúc, anh Hiền nói tiếp: Núi Sơn Trà Lớn – một phần dãy Mo So được giao cho nhà máy xi-măng Holcim khai thác từ khi dự án được triển khai. Ngọn núi nằm ngay sau lưng nhà máy xi-măng có công suất đến 1,6 triệu tấn/năm đã bằng phẳng hơn một nửa, phần còn lại bề mặt phẳng như sân bóng.
Anh Hiền chỉ tiếp hướng đối diện: “Núi Khoe Lá nằm bên bờ biển cũng bị nhà máy này vạt mất phần ba ngọn”. Anh Hiền tiếp tục chỉ rồi thuyết minh, mỗi núi một cảnh, nhiều quá, chúng tôi không thể nhớ, nhưng tựu chung, tất cả những ngọn núi kia rồi sẽ biến mất.
Anh Hiền cho xe rẽ vào một con đường, lối mòn đúng hơn, cỏ cây phủ kín, đá bụi qua loa, mặt bằng khúc khuỷu. “Ngành văn hóa vừa đổ vội vài xe đá bụi cho các đoàn khách vào tham quan. Trong đây có hai hang động rất đẹp – anh Hiền cho biết.
Chạy hơn trăm mét không thể tiếp tục, dừng xe, chúng tôi đi vào một hang núi. Ngay cửa hang có gần chục ngôi mộ, vài ngôi mộ vẫn còn mới. Bước vào bên trong, gió lộng. Hang động rộng khoảng trăm mét vuông, ánh sáng vừa đủ để nhìn rõ. Bên phải là một con lạch đã cạn nước. Bên trái có ngôi miếu nhỏ. Ông Nguyễn Văn Hà (68 tuổi) nhà ở cạnh quả núi này, trưa nào cũng sang tránh nóng. “Đây là hang Bà Tài – gọi theo tên của ngọn núi. Thỉnh thoảng cũng có các đoàn khách ghé chốc lát rồi đi. Phía bên kia cũng có một hang động tương tự, nhưng đường vào rất khó đi” – ông Hà cho biết.
Thì ra, hang động mà chúng tôi đang tọa là hang Bà Tài, ngọn núi cao chót vót và trải dài đến tận đằng kia là núi Ba Tài mà người ta định phá nung vôi. Bước ra cửa hang, chúng tôi trèo lên một mỏm đá cao, trước mắt là biển, là những hòn núi lớn có, nhỏ có chập chùng, còn nơi chúng tôi đứng như bức kè đá khổng lồ. Tôi đã hiểu câu nói ông Lĩnh lúc làm việc: “Núi Bà Tài cùng với dãy hòn Chông và các núi còn lại sẽ liên kết với rừng phòng hộ tạo thành tấm lá chắn che chở cho Kiên Lương trước tình hình biến đổi khí hậu”.
Vậy điều gì sẽ xảy đến nếu như núi Bà Tài và những Mo So, Sơn Trà, Hang Tiền, Hòn Lô Cốc, hòn Đá Lửa, hang Cây Ớt… biến mất?
amesmall” src=”http://www.nhandan.com.vn/media/k2/galleries/20422602/4159775297.jpg” border=”0″ />
Từ núi Bà Tài nhìn ra biển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()