Nêu cao vai trò người có uy tín xây dựng vùng Tây Bắc
Sau năm năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về "Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", nhiều tấm gương tiêu biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói chung và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái nói riêng đã được cộng đồng tôn vinh và cấp ủy chính quyền các cấp công nhận.
Sau năm năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, nhiều tấm gương tiêu biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói chung và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái nói riêng đã được cộng đồng tôn vinh và cấp ủy chính quyền các cấp công nhận.
Vùng Tây Bắc, phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, gồm 12 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, các huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, là những địa bàn thuộc vùng núi cao, biên giới, địa hình hiểm trở phức tạp, có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên chiếm một phần ba diện tích cả nước. Dân số hơn 10.576 người, có hơn 30 dân tộc cùng chung sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 63% dân số toàn vùng. Trong suốt quá trình lịch sử cách mạng, đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc luôn đoàn kết, góp phần cùng cả nước tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc là nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước; là hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân.
Ðến nay, toàn vùng Tây Bắc đã bình xét được 28.508 người có uy tín. Các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái trong năm 2013 đã công nhận 6.241 người có uy tín. Họ là người cao tuổi của các dân tộc đang là trưởng bản, trưởng dòng họ, cán bộ, công chức, đương chức, người về hưu, nhân sĩ, trí thức, nông dân, công nhân, các hội viên hội quần chúng, người tiêu biểu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và các doanh nhân.
Người có uy tín đã phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư. Vận động con cháu, gia đình, dòng họ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Người có uy tín là hạt nhân tích cực giúp các ngành chức năng vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trực tiếp chủ trì các cuộc hòa giải ở thôn bản; xây dựng hòm thư tố giác, cung cấp nhiều tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Họ vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Ðảng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền, tập hợp lực lượng thành lập “Vương quốc Mông”. Ðội ngũ người có uy tín đã góp phần cùng toàn dân xóa bỏ nhiều diện tích cây thuốc phiện tái trồng hằng năm, xóa bỏ nhiều tụ điểm về buôn bán, tàng trữ chất ma túy, các đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em; nhiều vụ tranh chấp đất đai, tài sản được hòa giải thành công tại cơ sở. Các ông Vàng A Tình, Vàng A Kha, Khà A Dếnh, ở xã Hang Kia, huyện Mai Sơn; ông Sùng A Lử, Sùng A Dê, Sùng A Xa ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã cung cấp thông tin quan trọng liên quan tội phạm ma túy đang có lệnh truy nã, góp phần thuyết phục 16/19 đối tượng vi phạm pháp luật ra đầu thú, trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc phức tạp xảy ra ở cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp 343 khẩu súng các loại, vận động 36 người đi cai nghiện. Tỉnh Thanh Hóa có ông Hơ Văn Di, ở xã Na Mèo, huyện Quan Sơn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện và tàng trữ, buôn bán sử dụng chất ma túy, không để kẻ xấu lợi dụng. Tỉnh Nghệ An có già làng Lầu Xây Phia, ở xã Nậm Càn; ông Già Tồng Dênh, ở xã Mỹ Lý; ông Hờ Pa Trù, dân tộc Mông, ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn đã khôn khéo thông qua con đường thăm thân để vận động, giáo dục một số người Mông cư trú trái phép trên đất bạn Lào trở về với bản làng ổn định cuộc sống. Nhiều người có uy tín ở huyện Tương Dương đã cung cấp hơn 2.300 nguồn tin, trong đó 1.652 nguồn tin có giá trị giúp các cơ quan chức năng và cộng đồng xóa bỏ được gần 2.000 m2 cây thuốc phiện, vận động gần 100 đối tượng ký cam kết không tham gia sản xuất, tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy, giao nộp hàng trăm khẩu súng các loại, giúp đỡ hàng trăm hộ từ bỏ ý định di cư sang nước Lào. Ðặc biệt, cụ Vừ Chông Pao, 81 tuổi, Anh hùng LLVTND, hiện là Phó Chủ tịch danh dự Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, là tấm gương trong việc vận động nhân dân đấu tranh với các phần tử có quan hệ, trao đổi, mua bán hàng hóa với kẻ xấu và góp phần xây dựng đường biên giới hữu nghị Việt Nam – Lào ổn định, phát triển.
Với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn được cống hiến thật nhiều cho gia đình và xã hội, người có uy tín không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn động viên con cháu, mọi người trong bản làng, tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái đã có hàng nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, cho thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Tiêu biểu trên lĩnh vực này ở Phú Thọ có các ông Ðặng Ðình Diện, Bùi Văn Mừng, Triệu Tiến Khoa, Triệu Văn Quang, dân tộc Dao; Ðinh Văn Ðỗ, dân tộc Mường, ở huyện Thanh Sơn… là những người tích cực vận động nhân dân, con cháu xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên/năm. Tỉnh Thanh Hóa có ông Lê Hữu Nguyên, dân tộc Thổ, ở huyện Như Xuân; ông Bùi Văn Tích, dân tộc Mường, là người theo đạo Công giáo, ở huyện Thọ Xuân đã đi đầu trong việc nhận hàng chục ha đất trống, đồi núi trọc làm trang trại tổng hợp. Ðến nay, trong vùng đồng bào các dân tộc Nghệ An đã có hơn 500 mô hình thu nhập ổn định từ 50 đến 100 triệu đồng/năm, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Ở Yên Bái có ông Ðặng Hồng Quân, ở xã Tân Ðồng, huyện Trấn Yên, luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn cho dân làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống nước sạch cho sinh hoạt, tưới tiêu. Ông dành nhiều tháng lương hưu đóng góp 90 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và làm đường giao thông nông thôn. Tỉnh Hòa Bình có bà Bùi Thị Mỳ ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, đã dày công vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng huyện trở thành địa bàn không có ma túy giai đoạn 2001 – 2005; ông Quách Văn Vọt ở Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn là giáo dân có uy tín với cộng đồng. Ông đã vận động bà con giáo dân, thực hiện đường hướng “Giáo hội gắn bó, đồng hành cùng dân tộc”, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ðại đoàn kết các dân tộc”.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()