Nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ
Từ một môn thể thao truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Khmer Nam Bộ, Lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang) trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2016 và là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ, thu hút đông du khách tham dự vào dịp lễ hội Đôn-ta hằng năm. |
Nghề chơi cũng lắm công phu Theo một số chủ bò, đồng thời là nài bò trực tiếp tham gia tranh tài tại Lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang năm nay, để có đôi bò đua giỏi ngoài chuyện mua bò đẹp, bò tốt còn phải có chế độ chăm sóc đặc biệt và quá trình tập luyện hết sức công phu. Để chuẩn bị cho giải đua năm nay, ông Chau Suôl lặn lội khắp vùng “săn” bò đẹp, có giá 87 triệu đồng. Tuy nhiên, do là bò mới, ông phải mất nhiều thời gian tập luyện cho chúng kéo xe, kéo cày, bừa dần dần mới cho ra chạy làm quen đường đua. Phải mất khoảng hơn ba tháng trời ròng rã đôi bò mới có thể “thiện chiến”. “Để bò có sức khỏe tốt, dẻo dai, chạy nước rút nhanh thì phải có chế độ ăn uống đặc biệt. Ngoài loại cỏ non tươi, thì phải nấu thêm lúa, cho uống nước dừa với hột gà (trứng gà). Tối bò phải ngủ mùng để không bị muỗi, côn trùng cắn làm mất sức. Trước khi giải đua diễn ra khoảng một tháng là đôi bò bắt đầu bước vào chế độ chăm sóc đặc biệt này”, ông Chau Suôl chia sẻ. Anh Chau Sa Đa Mol, ở xã Vĩnh Trung, một tay đua bò nhiều năm cho biết, nhiều người còn pha bia vào nước cho bò uống chung với trứng gà, trứng vịt để tăng sức khỏe cho chúng. Riêng với anh Chau Sa Đa Mol, sau nhiều năm nghiên cứu đã tìm ra bài thuốc dành riêng cho bò đua uống. Bài thuốc này bao gồm nhiều loại thuốc bắc bổ dưỡng và chỉ được dùng cho bò uống tẩm bổ trước khi giải đua bò diễn ra vài tháng, kết hợp uống với trứng gà pha với nước dừa tươi. Anh Chau Sa Đa Mol cho biết: “Bò của tôi uống bài thuốc này sẽ có sức khỏe dẻo dai. Mỗi tuần cho bò uống một lần, khoảng hơn một phần tư lít. Bò đua cần ăn uống bổ dưỡng, đủ chất nhưng không để cho nó mập ú, thân hình sẽ nặng nề, di chuyển chậm chạp”. Theo chủ bò vô địch giải đua năm nay, ông Nguyễn Thành Tài ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, bí quyết để 11 lần giành chức vô địch trong tổng số 25 lần tham gia đua bò chính là sự thấu hiểu của người nuôi và con vật. Ông thổ lộ: “Anh phải chăm sóc, gần gũi nó thì nó mới nghe lời anh và chạy theo đúng ý anh điều khiển. Nếu chỉ làm quen với đôi bò trong thời gian ngắn rồi đua thì nài bò không thể biết lợi thế và khai thác sức mạnh của đôi bò. Tôi tuy có tuổi nhưng tôi luôn trực tiếp điều khiển bò của mình”. Đề cao bản sắc và giá trị truyền thống Sự độc đáo của môn thể thao đua bò vùng Bảy Núi là đôi bò đua kéo theo cây bừa chạy trên mặt ruộng xâm xấp nước, chứ không phải kéo xe đua trên đường. Nài bò là những nông dân chính hiệu, cầm dây cương và cây sà-lul (gậy có đầu đinh nhọn) đứng trên bừa, rồi thúc bò vun vút lao về đích. Giải thích về điều khác biệt này, Hòa thượng Chau Prốs, trụ trì chùa Thơ Mít (nơi diễn ra lễ hội đua bò năm nay) cho biết, vào dịp lễ hội Đôn-ta hằng năm, đồng bào Khmer từ các phum, sóc mang bò đến ruộng của chùa để cày, bừa, làm đất, chuẩn bị cho vụ cấy lúa (còn gọi là cấy lúa ruộng trên do đây là vùng cao gần chân núi, ruộng có độ dốc gần giống như ruộng bậc thang). Trong lúc nghỉ ngơi, các chủ bò rủ nhau đua bò kéo bừa quanh mảnh ruộng để xem bò ai khỏe hơn. Dần dần, đua bò trở thành môn thể thao truyền thống được yêu thích của người dân nơi đây. Hòa thượng Chau Prốs cho biết: “Tại các chùa, các vị sư sãi đứng ra tổ chức để các cặp bò đua với nhau. Phần thưởng cho đôi bò giỏi nhất chỉ là những chiếc lục lạc mầu vàng, nhưng đó sẽ là niềm tự hào của phum, sóc có đôi bò thắng cuộc, bởi phần thưởng mang đến hy vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân”. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ vùng Bảy Núi, từ năm 1992, tỉnh An Giang tổ chức Lễ hội Đua bò Bảy Núi với quy mô lớn, quy tụ tất cả các tay đua là những người nông dân nuôi bò giỏi ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn. Đến nay, đã qua 25 lần tranh Cúp Truyền hình An Giang, giải đua được tổ chức luân phiên giữa hai huyện này. Về sau, giải đua bò Bảy Núi An Giang còn mở rộng với sự tham gia của đồng bào Khmer Nam Bộ và cả chủ bò người Kinh sinh sống tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh…, huy động hàng chục đôi bò dự thi. Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lễ hội đua bò Bảy Núi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2016. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết: Mặc dù đua bò đã trở thành môn thể thao và đi vào khuôn khổ của một cuộc thi chuyên nghiệp, nhưng Ban Tổ chức lễ hội luôn luôn đề cao và tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống nguyên gốc. Vì thế chúng ta mới có một môn thể thao độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi là đua bò kéo bừa trên sân ruộng xâm xấp nước. Đây là sân chơi chuyên nghiệp dành riêng cho những người nông dân vốn tay lấm chân bùn, để họ được thể hiện hết khả năng điêu luyện trong việc điều khiển đôi bò vốn gắn bó với họ trong lao động hằng ngày và các sinh hoạt khác trong cuộc sống. Chính vì sự gần gũi, hấp dẫn và độc đáo đó, hằng năm, lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút hàng chục nghìn người dân từ khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và khách du lịch trong nước, ngoài nước đến xem và cổ vũ. Lãnh đạo tỉnh An Giang và ngành văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh cũng xác định đua bò là sản phẩm quan trọng trong chương trình hành động phát triển du lịch của địa phương, nhằm thu hút và gây ấn tượng đối với khách du lịch đến An Giang. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp: “Ngay tại TP Châu Đốc cũng đã đầu tư một sân đua bò để tổ chức hội đua phục vụ khách du lịch hằng năm vào dịp Lễ hội Vía bà Chúa sứ Núi Sam. Mặc dù chỉ là giải đua bò biểu diễn nhưng đều nhận được phản hồi tốt từ phía khán giả và các chuyên gia du lịch vì có sự mới mẻ, độc đáo riêng”. Không như đua ngựa, hai đôi bò được bố trí xuất phát trên cùng một đường đua, nhưng cách nhau chừng 5 m. Tương tự, cũng sẽ có hai điểm về đích trước và sau dành cho đôi bò đi trước và đi sau. Vì thế, đôi bò phía sau không hề bị bất lợi. Tuy nhiên, theo quy định, trong vòng hô (đi chậm) đôi bò đi sau không được vượt qua đôi bò đi trước hoặc giẫm vào bừa của đôi bò trước, phạm quy sẽ bị xử thua. Đến vòng thả thì hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật của từng nài bò. Có những đôi bò bị bỏ ở khoảng cách rất xa, nhưng đến vòng thả lại bất ngờ tăng tốc lao vun vút về đích trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem. Xem thì có vẻ thấy dễ dàng nhưng quả thật là rất khó. Bởi đôi bò khi tăng tốc về đích chạy với tốc độ cao có thể lên 20 đến 30 km/giờ, nài bò phải đứng một chân trục bừa, chân còn lại đặt trên gọng giữa, tay thì vung cây sà-lul đâm mũi đinh nhọn vào lưng bò để chúng đau mà tăng tốc. Ông Chau Suôl, chủ bò cũng là nài bò từng nhiều lần tham gia cuộc đua và giành chức vô địch tại cuộc thi năm 2017 chia sẻ: “Những cú đâm phải canh đúng thời điểm và trúng vào cạnh sườn bò thì chúng mới lao nhanh. Đua bò khó hơn đua ngựa vì nài phải đứng vắt vẻo trên cây bừa không có một điểm tựa nào cho nên rất dễ bị té ngã. Điều này đòi hỏi nài bò phải rất thành thục và khéo léo”. Tại mùa lễ hội năm nay, anh Nguyễn Hoàng Minh Phong, du khách đến từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết: “Lần đầu tiên tôi được xem đua bò. Ban đầu tôi cứ hình dung là đua bằng bò kéo xe trên đường, chứ không nghĩ là đua dưới ruộng nước kéo bừa. Tôi thật sự ấn tượng với đua bò, càng xem về sau càng hấp dẫn”. Đây cũng là cảm nghĩ chung của nhiều khách du lịch, trong khi đồng bào tại địa phương thì vô cùng tự hào về môn thể thao truyền thống của dân tộc mình. Diễn ra vào dịp lễ Đôn-ta của đồng bào Khmer Nam Bộ, giải đua bò không những mang lại sự hứng khởi cho mùa lễ hội, góp phần sôi động vào các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh mà còn là nguồn động viên tinh thần để những người nông dân Khmer miền Tây Nam Bộ hăng say lao động, hướng về những mùa vàng ấm no, thúc đẩy và nâng cao nhận thức trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. |
Ý kiến ()