Kỹ năng xử lý tình huống – yêu cầu thực tế
Theo Bí thư Đảng ủy phường Nam Cường (TP Yên Bái) Đỗ Anh Thơ, kỹ năng xử lý tình huống rất quan trọng đối với cán bộ cơ sở hiện nay. Thời gian qua, Đảng ủy phường đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề của một xã vừa lên phường chưa đầy ba năm. Cán bộ phường hầu hết trưởng thành từ phong trào cơ sở (bản thân đồng chí Đỗ Anh Thơ cũng trưởng thành từ cán bộ Đoàn). Tình hình mới của phường đòi hỏi cán bộ phải có kỹ năng xử lý tình huống, thuyết phục, vận động nhân dân trong các phong trào thi đua của phường.
Chuyển biến rõ nhất ở Nam Cường là trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Từ năm 2011 đến nay, hơn 20 hộ tự nguyện hiến hơn 20 nghìn mét vuông đất ruộng, đất vườn để làm đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng, có gia đình hiến hơn hai nghìn m2 đất vườn, trị giá 500 triệu đồng. Người dân tự nguyện đóng góp toàn bộ kinh phí để nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ của nhà văn hóa trị giá 160 triệu đồng… Đã dự một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Tỉnh ủy dành cho bí thư đảng ủy xã, phường, đồng chí Đỗ Anh Thơ kiến nghị: Chương trình bồi dưỡng cần thu gọn phần lý thuyết, dành nhiều thời gian đi thực tế và giảng viên nên là người lãnh đạo, quản lý các cấp có kinh nghiệm thực tiễn. Đồng chí Đỗ Anh Thơ kể lại chuyện xử lý thành công việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án hồ Nam Cường trên địa bàn phường vừa qua. Để đền bù hơn 19 ha diện tích hồ cho người dân, thành phố sẽ phải chi theo dự toán 11,7 tỷ đồng. Do làm tốt công tác tuyên truyền, người dân thấy lợi ích lâu dài khi dự án hồ sinh thái được đầu tư, 131 hộ dân có diện tích đất trong vùng hồ đã ký cam kết chỉ nhận một phần kinh phí hỗ trợ tiền đất. Kết quả là phường đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng vùng hồ Nam Cường chỉ với số tiền 3,5 tỷ đồng (tiết kiệm cho nhà nước 8,2 tỷ đồng).
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Yên Bái Đoàn Đức Thuận, tháng trước, thành phố đã cử các bí thư, phó bí thư của tám xã đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tập trung 22 ngày theo chương trình của Tỉnh ủy. Trước đó, từ đầu năm đến nay, hơn 60 bí thư chi bộ các khu dân cư cũng đã được cử đi dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảy ngày.
Giải pháp vừa cơ bản vừa lâu dài
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn cho biết, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy ban hành hai nghị quyết chuyên đề về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn giai đoạn 2016-2020. Kèm theo đó là các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2016 và cả nhiệm kỳ. Đáng chú ý là việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn ba nghìn bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản, tổ dân phố, và các bí thư, phó bí thư đảng ủy của 180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Năm 2016, kế hoạch bồi dưỡng có bốn lớp dành cho các bí thư, phó bí thư cấp xã trong toàn tỉnh (tập trung trong 22 ngày); bảy lớp dành cho 700 bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố (tập trung trong bảy ngày). Đến nay, bốn lớp bồi dưỡng cho 400 bí thư chi bộ và trưởng thôn; ba lớp cho 150 bí thư, phó bí thư đảng ủy cấp xã đã kết thúc.
Điểm mới trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp Trường Chính trị tỉnh biên soạn là chú trọng bồi dưỡng năng lực tổ chức, điều hành, nhất là kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ cơ sở. Giảng viên của các buổi học này là các lãnh đạo đương nhiệm của ban, ngành trong tỉnh.
Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 579 tổ chức cơ sở đảng, 50.596 đảng viên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng hạn chế, nhất là các cấp ủy cơ sở ở các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ cán bộ giữ chức vụ, quy hoạch trưởng phòng cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo cao cấp lý luận hoặc cử nhân chính trị mới đạt 53%; tỷ lệ cán bộ được quy hoạch vào chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học trở lên (đối với vùng thấp) và có trình độ trung cấp trở lên (đối với vùng cao) mới đạt 74%; tỷ lệ bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở được bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng, quản lý nhà nước và vận động quần chúng mới đạt 79%.
Bởi thế, việc Tỉnh ủy Yên Bái ban hành hai nghị quyết chuyên đề nêu trên là nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 nâng tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt 65% (hiện tỷ lệ này là hơn 47%), trong đó tỷ lệ cán bộ chủ chốt của 72 xã đặc biệt khó khăn đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 35% (hiện mới đạt gần 22%). Hơn 95% số bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác, kỹ năng hoạt động; hơn 95% số cán bộ lãnh đạo, quản lý đảng, chính quyền, đoàn thể được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác theo đúng lĩnh vực công tác được phân công.
Đây là giải pháp căn cơ và lâu dài để xây dựng, củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là đối với những tổ chức cơ sở đảng yếu kém, ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa.
Ý kiến ()