Nét mới của Festival nghề truyền thống Huế 2019
Bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế dự Festival nghề truyền thống Huế lần thứ tám (2019).
Đã thành thông lệ, hai năm một lần, Festival nghề truyền thống Huế được người dân Huế và khách du lịch đón chờ. Được tổ chức đúng vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, công tác chuẩn bị cơ sở lưu trú, điểm dịch vụ, du lịch cho Festival đã sẵn sàng. Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019 cho biết: “Huế đã huy động cao nhất các nguồn lực cho hoạt động lớn này. Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống”.
Với mục tiêu gìn giữ, tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Huế, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival Huế lần thứ tám tập trung giới thiệu 16 nhóm nghề nổi tiếng của Huế như thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, thư pháp, hoa giấy, dệt vải… cũng như các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời. Với sự tham gia của 62 làng nghề, cơ sở nghề và hơn 350 nghệ nhân nhân dân, ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề trên khắp cả nước, đây là dịp để các nghệ nhân phô diễn tài năng và du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm truyền thống được hồi sinh và phát triển.
Điểm nhấn trong Festival lần này là cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống. Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế. Nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, giàu tính nghệ thuật như không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề, không gian sen và thổ cẩm, không gian lụa và áo dài trong đó có dịch vụ may áo dài nhanh phục vụ nhu cầu của du khách, không gian đông y Huế, mây tre đan, diều và thư pháp… Theo Phó trưởng ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019 Phạm Thị Quỳnh Dao, nét mới trong Festival nghề truyền thống Huế lần thứ tám là tăng tính tương tác cộng đồng. Nếu những kỳ Festival trước, ban tổ chức chủ yếu giới thiệu về sản phẩm mà chưa tập trung đầu tư sản xuất thì lần này các cơ sở sản xuất tăng cường hàng hóa cũng như cải tiến mẫu mã, bao bì thiết kế, vừa trưng bày, vừa thao diễn nghề tại chỗ. Tại một số địa điểm, ban tổ chức tạo các không gian nghề như mộc mỹ nghệ, hoa làm bằng đất sét, làm hoa giấy…, du khách có thể thực hiện và hoàn thiện sản phẩm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân hoặc những người thợ lành nghề. Mẫu nhà rường nguyên tác sẽ được bố trí trong không gian làng nghề, tại đó, các nghệ nhân thực hiện một số kỹ thuật dựng nhà rường để du khách có thể hình dung được quy trình dựng một ngôi nhà rường…
Ngoài các chương trình đã có dấu ấn từ những kỳ Festival trước như Lễ hội áo dài, Lễ tế tổ bách nghệ, Lễ rước tôn vinh nghề, Lễ hội ẩm thực… Festival lần thứ tám sẽ có thêm Lễ hội hoa làng nghề tổ chức trên tuyến đường đi bộ bên bờ sông Hương, chương trình nghệ thuật và các hoạt động giao lưu nghệ thuật với các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc… Hệ thống đường đi bộ bờ nam sông Hương cùng phố đi bộ tuyến Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu… tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút du khách.
Có thể nói, Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức nhằm thực hiện Đề án xây dựng thành phố Festival Huế tầm cỡ quốc gia, quốc tế, mang đặc trưng Việt Nam, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với các nghề truyền thống không chỉ của Huế mà còn của cả nước, nhằm tôn vinh các giá trị nghệ thuật, các nghệ nhân, các làng nghề, giữ gìn bản sắc dân tộc. Từ Festival nghề truyền thống, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống như dệt Zèng, làm hoa giấy, nghề mây tre đan… được giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước và nước ngoài, tạo đà cho các sản phẩm có mặt tại nhiều quốc gia. Đó cũng là mục tiêu Festival nghề truyền thống Huế hướng đến.
Ý kiến ()