Nét đẹp thả cá phóng sinh ngày ông Công, ông Táo
– Thả cá chép phóng sinh vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá tâm linh của người dân Việt Nam nói chung và người dân Xứ Lạng nói riêng. Đây là một tục lệ mang nhiều ý nghĩa nhân văn khởi nguồn cho một năm mới bình an, hạnh phúc.
THU HIỀN – DƯƠNG KIM
Truyền thuyết kể lại rằng, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội. Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân lại làm lễ tiễn ông Công ông Táo lên trời.
Người dân thường chuẩn bị 2 hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cùng các đồ lễ khác để lễ ông Công, ông Táo và thời gian thường diễn ra vào buổi sáng (trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng Chạp âm lịch đến trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch). Theo quan niệm dân gian, đây là khoảng thời gian thích hợp để kịp giờ ông Công, ông Táo lên Thiên đình.
Anh Hồ Long, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: "Đây là phong tục từ đời cha ông truyền lại nên năm nào cũng vậy, trước khi phóng sinh tôi thường đọc bài khấn để cầu bình an cho gia đình. Sau đó, tôi cùng con đem cá chép vàng ra sông thả. Đối với tôi việc giáo dục ý nghĩa truyền thống cho con cháu là điều rất quan trọng, nên hằng năm tôi đều cùng con trai thực hiện các nghi lễ thờ cúng và phóng sinh để con có thể hiểu được những ý nghĩa nhân văn mà cha ông ta đã để lại.
Không chỉ riêng gia đình anh Hồ Long mà vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người dân trên địa bàn tỉnh đều nô nức đi thả cá phóng sinh với tâm nguyện cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.
Phong tục phóng sinh cá chép mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nhưng việc thả cá cần phải đúng cách để tránh ảnh hưởng đến môi người. Năm nay, nhiều người dân đã chủ động sử dụng xô, chậu, bình... để bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn nước.
Lễ phóng sinh thả cá chép tại Chương trình "Triển khai công tác bảo vệ môi trường sông Kỳ Cùng" nhân dịp Tết ông Công, ông Táo, Ban Tổ chức đã bố trí hơn 20 thùng rác để người dân bỏ lại túi nilon sau khi sử dụng.
Việc thả cá chép không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi ngoài tự nhiên, bởi các chép là loài dễ sống, dễ sinh sản và sinh trưởng trong nhiều môi trường nước ngọt khác nhau.
Tại các điểm thả cá phóng sinh dọc bờ sông Kỳ Cùng luôn có đội tình nguyện viên, lực lượng chức năng hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho người dân
Thả cá phóng sinh dịp ông Công, ông Táo lên trời được nhiều gia đình giáo dục và cho con cháu trải nghiệm với mong muốn phát huy giá trị, ý nghĩa tốt đẹp văn hoá truyền thống cha ông để lại.
Được biết, giá cá chép vàng từ 7.000 đồng đến 15.000 đồng/con tuỳ kích cỡ, giá cá vàng giảm một nửa so với năm trước. Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát nên sức mua tăng khoảng 10% so với năm trước.
Ý kiến ()