Nét đẹp tết “Pây tai” của người Tày, Nùng
(LSO) – Với cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn, ngày rằm tháng Bảy còn được coi như ngày tết ngoại, thường gọi là tết “Pây tai”. Tết này được xem như là một trong hai tết quan trọng nhất của năm, cùng với Tết Nguyên đán. Phong tục “Pây tai” với nhiều ý nghĩa tốt đẹp đã góp phần tô đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng.
Tết “Pây tai” thường được bắt đầu từ ngày 10/7 Âm lịch đến hết ngày 15/7 Âm lịch. Dịp này, những người công tác hay sinh sống ở xa có điều kiện sẽ trở về quê hương. Vợ chồng anh Đỗ Văn Trường quê ở Bình Gia, đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Dù công việc bận rộn, nhưng dịp “Pây tai” thì không thể không về. Năm nào cũng vậy, cứ ngày 12 hoặc 13/7 Âm lịch, cả nhà anh lại chuẩn bị đôi vịt và cặp bánh để đi tết bố, mẹ vợ. Anh Trường cho biết: Tôi nghĩ ngày lễ này rất quan trọng, là dịp báo hiếu cha mẹ vợ, cha mẹ mình nên tôi luôn sắp xếp công việc, thời gian để chuẩn bị đầy đủ, chu đáo.
Tại Lạng Sơn, tùy từng nơi, tùy từng dân tộc mà định ngày ăn rằm khác nhau. Người Tày, người Nùng ăn rằm ngày 14, người Kinh thì ăn ngày 15. Có nơi, người Tày, Nùng cũng ăn rằm ngày 15 như người Kinh. Tuy nhiên, hiện nay yếu tố công việc cũng tác động đến việc quyết định ngày để ăn rằm tháng Bảy. Có nhà vì con cháu bận việc nên có thể ăn từ mùng 10 hoặc thậm chí là qua rằm mới sum họp…
Gia đình chị Lăng Thị Lê, thôn Quảng Trung I, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn làm bánh gai dâng lên tổ tiên
Nhà nghiên cứu văn hóa Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh cho biết: Tết “Pây tai” của người Tày, Nùng là cái tết to thứ hai chỉ sau Tết Nguyên đán, bởi theo quan niệm của họ thì đây là dịp để con cái báo hiếu với bố mẹ, tổ tiên, những người đã mất. Theo truyền thống, con gái và con rể sẽ đem lễ về thăm nhà ngoại để tỏ lòng biết ơn đến công sinh thành của cha mẹ. Món quà mang về thăm bố mẹ bên ngoại ít, nhiều do từng nhà nhưng không thể thiếu một đến hai con vịt béo, một chai rượu nhỏ và đôi ba cặp bánh gai hay bánh chuối.
Lý giải cho việc tại sao vịt lại là món đồ lễ không thể thiếu trong tết này, nhà nghiên cứu Vi Hồng Nhân cho rằng: Theo truyền thuyết, vịt là vị sứ giả của trần gian với trời. Con vịt có công cõng gà trống vượt biển đi cống sứ mường trời vào ngày rằm tháng Bảy hằng năm, để cầu mùa màng bội thu cho người nông dân. Mặt khác, từ xưa văn hóa người Việt là văn hóa lúa nước, tháng Bảy âm lịch chính là thời gian người dân thu hoạch xong mùa vụ. Với chăn nuôi cũng vậy, từ cuối tháng 3 âm lịch khi thời tiết ấm lên thì người dân bắt đầu nuôi gà, vịt. Đến tháng 7 âm lịch, vịt mới trưởng thành là thời điểm thịt vịt ăn ngon nhất. Vì vậy, từ xưa, vịt trở thành món ăn truyền thống, thành con vật làm lễ của người dân.
Trong dịp này, ngoài thịt vịt, mâm cỗ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng không thể thiếu món bánh gai, bánh rợm, bún, hoa quả. Đặc biệt, người Tày, Nùng tại một số vùng ở Lạng Sơn còn làm bánh chuối, được làm từ quả chuối chín hoặc từ củ chuối. Có nhà còn làm bánh gai, bánh chuối gói chung trong 1 tàu lá. Cứ từng cặp bánh xâu lại với nhau rồi treo lên sào dài, những đôi bánh này còn được gọi là “Pẻng tải”, bánh vắt hay bánh treo.
Chị Lăng Thị Lê, dân tộc Nùng, thôn Quảng Trung I, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong dịp rằm tháng Bảy, hầu như nhà nào ở đây cũng làm trên dưới 200 chiếc bánh, làm nhiều để còn biếu họ hàng, anh em… Hơn nữa, mình làm nhiều còn để biếu nhà ngoại. Ngày trước, đường sá đi lại khó nhưng gia đình mình vẫn mang đồ lễ đi xe đạp nhiều giờ mới đến nhà ngoại. Mệt lắm, nhưng được về thăm bố mẹ đẻ, họ hàng bên ngoại cũng vui lắm. Còn hiện giờ đã có xe máy đi lại đỡ vất vả hơn. Năm nào về nhà ngoại thì tất cả anh chị em cùng con cháu đều sum họp đầy đủ, đông vui.
Từ xưa đến nay, tết “Pây tai” báo hiếu cha mẹ bên nhà vợ vẫn được người Tày, Nùng gìn giữ nguyên vẹn với giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc. Đây cũng là dịp sum họp, đoàn viên của các gia đình. Cùng với ý nghĩa lễ Vu Lan trong Phật giáo, tết “Pây tai” chính là phong tục mang đậm tín ngưỡng hiếu kính cha mẹ của người Tày, Nùng trong ngày rằm tháng Bảy. Đây là những nét đẹp cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()