Nét đẹp nghi lễ Chầu văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Xứ Lạng
– Nghi lễ Chầu văn (hay còn gọi là nghi lễ hầu đồng) là một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng phức hợp gồm diễn xướng hầu đồng gắn với hát văn do thủ nhang, thanh đồng, cung văn và một số người hầu dâng (người giúp việc thanh đồng) tiến hành trước ban thờ ở các đền, điện, phủ… gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Loại hình di sản văn hóa đặc sắc này có mặt ở một số địa phương như: Nam Định, Yên Bái, Hà Nội… trong đó có Lạng Sơn. Năm 2016, tín ngưỡng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghi lễ Chầu văn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc từ trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian, nhạc cụ, nghệ thuật tạo hình… Những hình ảnh dưới đây được ghi lại tại nghi lễ Chầu văn của Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Tạ Bích Lộc, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.
HOÀNG HIẾU – TUYẾT MAI
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, tôn thờ hơn 50 vị thánh khác nhau, với đặc trưng là nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn. Tại Lạng Sơn, nghi lễ hầu đồng thường diễn ra tại các đền như: đền Kỳ Cùng, đền Mẫu Đồng Đăng, đền Bắc Lệ, đền Cửa Đông... Mỗi cuộc diễn xướng Chầu văn được tổ chức thu hút rất đông người dân đến tham dự. Vấn hầu lần này được tổ chức tại đền Cửa Đông, thành phố Lạng Sơn, do Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc là người đứng đầu buổi lễ hầu.
Trước khi nghi lễ diễn ra, nghệ nhân phải chọn ngày tốt và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho một lễ hầu. Khâu chuẩn bị đầu tiên đó là lễ vật dâng cúng. Trong nghi lễ lần này, Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật gồm: Rượu, xôi, hoa quả, bánh trái, tiền vàng, giấy bạc, đèn nhang... Tất cả các mâm lễ vật được bày trí theo hình tháp đặt ở các bàn trong điện thờ của đền Cửa Đông. Ngoài ra, còn có rất nhiều hoa quả, lễ vật mà các con nhang, đệ tử dâng cúng trong lễ hầu đồng.
Để nghi lễ diễn ra thành công, Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc đã mời Cung văn đến phục vụ - đây là những người không thể thiếu trong một buổi hầu đồng. Họ đảm nhận phần nhạc đệm, hát chầu văn giúp cho thanh đồng dễ dàng hóa thân vào vai các vị Thánh. Họ là những người thuộc rất nhiều bài chầu văn, nắm rõ quy trình của một buổi hầu đồng, biết cách hát đệm cho đúng với nội dung của mỗi giá đồng, nhằm ca ngợi công đức, tài sắc của các vị Thánh.
Phụ giúp thanh đồng trong nghi lễ hầu đồng còn có 2 hoặc 4 người ngồi cạnh (gọi là hầu dâng), trong nghi lễ hầu lần này, Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc có 2 thanh đồng phụ giúp việc dâng hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…
Trong nghi lễ hầu đồng có tất cả 36 vở diễn xướng, tục gọi là 36 giá đồng, mỗi giá đồng nói về huyền tích của một vị Thánh. Tuy nhiên, trong một buổi hầu đồng các thanh đồng không bao giờ trình diễn đủ 36 giá, mà thường chỉ chọn một số giá có nội dung phù hợp với buổi hầu. Đối với nghi lễ hầu đồng của Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc lần này cũng không đủ 36 giá mà diễn ra theo trình tự sau: Thay trang phục dâng hương hành lễ - Thánh giáng (nhập đồng) - múa đồng - nghe văn chầu, ban lộc, phán truyền - thăng đồng. Thời gian cho mỗi giá đồng cũng khác nhau.
Khi mọi điều kiện được chuẩn bị tươm tất, Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc sẽ mặc trang phục chỉnh tề và“xin phép” các vị Thánh để bắt đầu nghi lễ. Đầu tiên, nghệ nhân tiến hành hầu 3 giá Mẫu, đây là các vị đứng đầu của hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu.
Múa đồng: là diễn xướng. Múa theo lời hát văn, thể hiện tính cách, hành động của vị Thánh. Múa đồng sẽ múa cờ, múa kiếm, long đao, kích ở giá quan.
Trong thực hành nghi lễ Chầu văn, tuỳ theo ý nghĩa của từng giá đồng mà Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc thực hiện những điệu múa khác nhau như: múa tay không, múa mồi lửa, múa quạt, múa kiếm, múa chèo thuyền...
Nghe văn chầu và ban lộc cũng là phần không thể thiếu trong nghi lễ hầu lần này của Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc. Sau một số giá hầu.,những người tới dự sẽ tiến đến gần để cầu xin hoặc nghe phán truyền. Lúc này họ sẽ được phát lộc như hoa quả, bánh trái, tiền bạc, gương lược,.. Tới mỗi giá thì cung văn sẽ ngâm thơ, hát văn về sự tích, lai lịch các vị thánh.
Trang phục của mỗi giá đồng có sự khác biệt, thể hiện rõ tính cách, nguồn gốc xuất thân của từng vị Thánh, đặc biệt là việc sử dụng trang phục của một số dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa phương. Trong ảnh là Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc đang diễn xướng giá hầu Chầu Lục Cung Nương mặc trang phục dân tộc Nùng và sử dụng đàn tính. Theo tương truyền vị Thành này vốn là người Nùng Phàn Slình Hua Lài tại vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đây là minh chứng rõ nét của việc giao thoa văn hoá giữa người Kinh ở miền xuôi với người Nùng ở miền núi và là nét khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn so với các địa phương khác
Nghi lễ kết thúc là lúc tấm khăn phủ diện được phủ lên đầu Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc và mọi người vỗ tay reo hò. Với 45 năm thực hành, bảo tồn và truyền dạy diễn xướng nghi lễ hầu đồng, Nghệ nhân Nhân dân Tạ Bích Lộc là tấm gương sáng trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa tại mảnh đất Xứ Lạng. Những danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng như tiếp thêm động lực cho người nghệ nhân ở cái tuổi thất thập này. Chúng tôi vẫn ấn tượng mãi câu nói mà bà đã chia sẻ: Tôi sẽ tiếp tục cống hiến, gìn giữ, bảo tồn di sản này cho đến khi không thể đi nữa mới thôi.
Ý kiến ()