Nét đẹp hát Sli Phàn Slình trong ngày Quốc khánh ở Xứ Lạng
– Đã thành thông lệ, dịp Lễ Quốc khánh (2/9) hằng năm, tại khu vực khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) lại tràn ngập sắc xanh của áo chàm và rộn ràng bởi làn điệu Sli Phàn Slình của người Nùng Lạng Sơn.
Nùng Phàn Slình (thuộc 1 trong 3 nhóm người Nùng ở Lạng Sơn gồm: Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình). Nếu như người Nùng Cháo có Sli Sình làng thì người Nùng Phàn slình cũng có làn điệu hát Sli riêng đặc trưng với các câu hát bắt đầu bằng từ “Nhi a… ” gọi là Sli Phàn Slình. Từ xa xưa, người Nùng Phàn Slình tại Lạng Sơn đã đặt ra “quy ước” về thời gian hẹn gặp gỡ để hát Sli vào ngày 12, 22 âm lịch hằng tháng hoặc các ngày lễ, tết trong năm.
Người Nùng Phàn Slình hát Sli tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn
Khoảng chục năm trở lại đây, người Nùng Phàn Slình tại Lạng Sơn thường xuyên gặp gỡ giao lưu tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Không dàn dựng, hoàn toàn tự nhiên, mộc mạc, người Nùng Phàn Slình cứ thế đối đáp, giao lưu với nhau qua những câu hát Sli truyền thống, nguyên bản trên “sân khấu” là vỉa hè hoặc trong, ngoài khu vực khuôn viên tượng đài.
Trong số những ngày hẹn kể trên, ngày Lễ Quốc khánh (2/9) hằng năm là ngày người Nùng Phàn Slình ở khắp các huyện trên địa bàn tỉnh lại tập trung đông nhất để hát Sli. Ông Lộc Văn Sảo, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: Gần 10 năm nay, tôi thường xuyên cùng các anh em trong làng “đi chợ hát Sli”. Bình thường đi hát trong các ngày của lịch hẹn, tôi cứ hát tự nhiên mà không cần chuẩn bị gì cả nhưng trong ngày lễ Quốc khánh thì tôi phải chuẩn bị từ trước khi đi hát 2 đến 3 ngày để soạn sẵn những câu hát hay với nội dung ca ngợi quê hương đất nước, niềm vui khi gặp các bạn trong ngày Lễ Quốc khánh… sẵn sàng đối đáp theo chủ đề với bạn hát cùng.
Được biết, hát Sli của người Nùng Phàn Slình chỉ có một làn điệu nhưng lại có sự luyến láy khác nhau giữa các vùng trên địa bàn tỉnh. Sli hát ở các dịp gặp gỡ không có bài hát cụ thể mà mang tính ngẫu hứng, hát đến đâu ứng biến đến đó nên người hát không chỉ có giọng hát hay mà còn phải có tài sáng tác, ứng khẩu để theo kịp diễn biến của cuộc hát đối đáp.
Khi hát, mỗi bên đều phải hát 2 câu liên tục hoặc đoạn ngắn, dài khác nhau phụ thuộc vào nội dung nhưng thường có 4 hoặc 6 câu. Cái hay của Sli của người Nùng Phàn Slình là dù hát ngẫu nhiên nhưng lời hát vẫn có quy luật bằng – trắc và gieo vần như trong một bài thơ. Mở đầu cuộc hát sẽ là những lời chào hỏi, gọi nhau, rủ nhau cùng hát. Khi cuộc hát bắt đầu thì câu chuyện của từng đôi, từng tốp hát chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu. Còn trong ngày Lễ Quốc khánh, nội dung câu chuyện sẽ được người hát chuẩn bị từ trước và lồng ghép đan xen giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước, niềm vui, tự hào trong ngày Tết độc lập của đất nước…
Đến thành phố Lạng Sơn vào đúng ngày Lễ Quốc khánh (2/9), nhiều du khách cũng như những người con Xứ Lạng xa quê khi trở về đều cảm thấy rất thích thú. Chị Hoàng Kim Nhi, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan cho biết: Tôi hiện đang làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Hằng năm, chỉ có Tết Nguyên đán và dịp Lễ Quốc khánh là tôi sắp xếp được thời gian để về quê. Tôi rất yêu thích các làn điệu dân ca của dân tộc mình mà không mấy khi có cơ hội được nghe nên năm nào về quê vào dịp Quốc khánh tôi cũng ra thành phố Lạng Sơn để được nghe hát Sli. Mỗi lần ra nghe tôi lại học được vài câu hát để khi vào miền Nam làm việc sau nghỉ lễ, tôi lại nhẩm hát mỗi khi nhớ về quê hương.
Ông Phùng Văn Muộn, Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa này, trong các kỳ họp, sinh hoạt hội, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích các hội viên tích cực truyền dạy làn điệu Sli Phàn slình và định hướng người dân duy trì tổ chức gặp gỡ, hát giao lưu làn điệu này tại thành phố Lạng Sơn trong các dịp lễ, tết và đặc biệt là trong ngày Quốc khánh 2/9. Qua đó, tạo nên điểm nhấn trong ngày Lễ Quốc khánh hằng năm tại Xứ Lạng.
Với niềm yêu thích đối với làn điệu dân ca của dân tộc mình, những năm qua, người Nùng Phàn Slình Lạng Sơn không chỉ lan tỏa, bảo tồn và phát huy làn điệu Sli mà còn góp phần tạo nên nét đẹp trong ngày Lễ Quốc khánh tại Lạng Sơn.
Ý kiến ()