Nepal tưởng niệm một năm thảm họa động đất kinh hoàng
Một năm sau thảm họa động đất tồi tệ nhất trong lịch sử Nepal, quốc gia Himalaya bắt đầu tổ chức các hoạt động tưởng nhớ hàng nghìn người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ngày 25/4/2015 và cơn dư chấn hai tuần sau đó.
Sáng 24/4, Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli đã đến đặt hoa tại di tích tòa tháp cổ ở Kathmandu, được xây dựng từ thế kỷ 19 nhưng đã bị san phẳng trong trận động đất hồi năm ngoái. Hàng trăm người cũng tập trung tại đây và dành một phút tưởng niệm các nạn nhân.
Trận động đất 7,8 độ Richter cách đây một năm đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, khiến 22.000 người bị thương và phá hủy hơn 900.000 ngôi nhà.
Cho đến nay còn khoảng 4 triệu người vẫn đang phải sống trong các khu lều tạm do động đất đã san phẳng nhà cửa của họ. Người dân địa phương cho biết họ phải cầu nguyện trong các túp lều dựng tạm vì tu viện và các ngôi chùa ở đây đều đã bị phá hủy.
Langtang – khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất của trận động đất – sẽ tổ chức lễ tưởng niệm thảm họa động đất một ngày sau lễ tưởng niệm trên toàn Nepal, tức vào ngày 25/4, tròn đúng một năm xảy ra trận động đất lịch sử, tại vị trí cũ của tòa tháp Dharahara.
Dự kiến sẽ có một lễ thắp nến vào buổi đêm và lễ tưởng niệm sẽ diễn ra đơn giản do nhiều người dân Nepal vẫn đang phải sống trong những căn nhà tạm và nơi trú ẩn.
Ở một số nơi, cuộc sống đã dần trở lại bình thường, và những người dân bị mất nhà cửa trong thảm họa động đất một năm về trước đang chờ sự giúp đỡ, bởi họ không thể tự xây lại nhà do các khó khăn về kinh tế cũng như các quy định phức tạp của chính phủ đối với những trường hợp đủ điều kiện nhận hỗ trợ động đất.
Người dân đã chỉ trích chính phủ chậm trễ trong công tác khắc phục hậu quả động đất. Trong khi đó, Chính phủ Nepal cũng cho biết khó khăn tài chính là lý do chính khiến các công tác khắc phục và tái thiết sau động đất hầu như dậm chân tại chỗ trong suốt 1 năm qua.
Ngành du lịch, một trong những ngành mũi nhọn trong nền kinh tế Nepal, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau động đất và cho đến nay vẫn chưa hồi phục. Chính phủ Nepal cho biết cần ít nhất 2 tỷ USD để xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh viện cũng như tôn tạo các công trình lịch sử bị động đất tàn phá./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()