Thứ 6, 22/11/2024 18:06 [(GMT +7)]
Nếp sống văn minh trong lễ hội
Thứ 2, 28/02/2011 | 09:42:00 [(GMT +7)] A A
Sau Tết cổ truyền, lễ hội nở rộ khắp nơi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, việc tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập, ý thức tham gia lễ hội của người dân còn nhiều hạn chế. Vì thế việc chấn chỉnh các hoạt động, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Đầu năm mới, chúng tôi đi cùng đoàn khảo sát lễ hội tại một số điểm quanh Thủ đô Hà Nội như: đền Bà Chúa Kho, đền Sóc và đền Và… Có thể nói, Ban tổ chức các lễ hội đều có ý thức tìm cách giữ cho lễ hội ở địa phương mình trật tự, văn minh mà trước hết bảo đảm an toàn giao thông đi lại thuận tiện, quản lý hàng quán, bãi để xe, quy hoạch sắp xếp các hoạt động vui chơi giải trí hợp lý. Đặc biệt việc gìn giữ vệ sinh môi trường cảnh quan của di tích ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Đền Sóc có sáng kiến phát hàng nghìn 'cành lộc' cho người tham dự lễ hội để ngăn chặn hiện tượng bẻ cành lấy lộc. Trung bình mỗi ngày khoảng hơn ba vạn lượt du khách về dự lễ và tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương, do tuyên truyền tốt nội dung, ý nghĩa lễ hội nên du khách không đốt vàng mã, không vứt rác bừa bãi. Chùa Hương nghiêm cấm việc phát loa ầm ĩ. Đền Bà Chúa Kho tổ chức dọn vệ sinh trong mỗi ngày. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng ban quản lý di tích Bà Chúa Kho cho biết: 'Mùa lễ hội năm nay chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra xử phạt các hành vi vi phạm quy định của lễ hội, tiêu hủy sách ngoài luồng, các hoạt động theo sát sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh'. Trước ngày tổ chức Lễ hội đền Và, UBND thị xã Sơn Tây đã tập trung tuyên truyền nội dung và ý nghĩa của lễ hội. Lễ hội được tổ chức hằng năm theo nghi thức truyền thống, năm nay gần 800 người dân được huy động để bảo đảm an ninh, trật tự và rước kiệu Đức Thánh Tản Viên từ đền Và qua sông Hồng sang Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ca ngợi công đức của vị thần đã có công với dân, với nước. Công tác tổ chức cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, hơn 200 hàng quán được sắp xếp lại và ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Tuy nhiên, hiện tượng đốt đồ mã với lượng lớn vẫn tồn tại ở đền Và. Tại đây cũng còn các hình thức vui chơi có thưởng mang tính thương mại.
Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Mặc dù các địa phương đều quan tâm việc tổ chức quản lý lễ hội, nhưng các hiện tượng tiêu cực vẫn cứ tồn tại hết năm này đến năm khác: ùn tắc giao thông, chen lấn xô đẩy dẫn đến tình trạng mất trật tự an toàn, tình trạng mất cắp, bị 'chém đẹp' khi ăn uống, mua hàng, gửi xe ở đâu cũng có. Nạn mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh phổ biến khắp nơi. Trên đường đi chúng tôi thường bắt gặp những người chở hàng mã kích thước lớn như ngựa, ô-tô, nhà lầu… Vào các di tích thì vàng mã đốt cháy đùng đùng tro bay lả tả, hương cắm khắp nơi, năm nay việc lễ bái bằng tiền thật rất phổ biến. Tiền lẻ găm khắp mọi nơi từ bàn thờ tượng đến gốc cây, khe tường, thậm chí còn ném cả xuống 'giếng thần', 'giếng ngọc'… Vấn đề vệ sinh môi trường, xâm phạm cảnh quan trở thành vấn nạn khó giải quyết. Tất cả các hiện tượng đó đã làm lu mờ bản sắc văn hóa khiến cho lễ hội trở nên nhếch nhác, phản cảm.
Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này? Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy nguyên nhân từ hai phía. Về tổ chức quản lý lễ hội tuy có đề ra phương án, các quy định, nhưng chưa có chế tài cụ thể xử phạt các hành vi vi phạm, việc thanh tra, kiểm tra không thường xuyên. Xu hướng thương mại hóa lễ hội có chiều hướng gia tăng làm cho công tác quản lý bị lơi lỏng nhằm thu lợi. Trong khi đó, ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế. Nhiều người đến lễ hội chỉ nhằm cầu lộc, cầu tài cho bản thân mà không thấy được ý nghĩa lớn nhất của lễ hội là tôn vinh, tỏ lòng biết ơn các anh hùng dân tộc, những người có công với dân với nước vì vậy dẫn đến mê tín dị đoan, nhiều người không có ý thức nên có hành vi xâm hại cảnh quan môi trường. Để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn xô bồ trong các lễ hội, thiết nghĩ cần có sự nỗ lực từ hai phía. Một mặt tăng cường công tác tổ chức quản lý lễ hội theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ mới ra ngày 9-2-2011 về chấn chỉnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên cả nước. Mặt khác tuyên truyền giáo dục ý thức của người tham gia lễ hội, đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ hội.
Xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ hội có ý nghĩa rất quan trọng để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc của lễ hội truyền thống, trong cuộc sống hiện đại, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu, lỗi thời.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()