Nếp sống văn minh trong lễ cưới ở Lộc Bình
LSO-Lộc Bình là huyện miền núi, biên giới có 27 xã, 2 thị trấn với 286 thôn bản, khu phố. Dân số của huyện hơn 80 nghìn người, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 95,22%, gồm 6 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chỉ, Hoa cùng sinh sống. Để duy trì tập quán, cách thức tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh của mỗi gia đình, cộng đồng, Lộc Bình thường xuyên tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới; rất nhiều gia đình đã tổ chức đám cưới với những đổi thay tích cực.
Thiếu nữ dân tộc bên gian trưng bày các ấn phẩm báo chí |
Điểm nổi bật là các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của huyện Lộc Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới với việc triển khai thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức tuyên truyền “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, tuyên truyền lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào các hội thi “Gia đình hạnh phúc”. Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện và UBND các xã chủ động tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tổ chức các chương trình văn nghệ, biểu diễn các tiểu phẩm về chuyện cưới… Cùng với đó, các cấp bộ đoàn, hội chú trọng lồng ghép tuyên truyền loại bỏ các hủ tục trong tổ chức việc cưới cho đoàn viên thanh niên thông qua các diễn đàn, hội thi, sinh hoạt, giao lưu.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tiến bộ. Ông Vi Văn Hùng, Phó Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Những năm qua, các thủ tục cưới có tính phong tục, tập quán như: chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ trong một ngày. Tệ thách cưới trong đồng bào dân tộc ít người đã giảm hẳn, tổ chức đám cưới đơn giản phù hợp với điều kiện gia đình, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể đã có nhiều thay đổi theo nếp sống mới. Việc sử dụng trang phục dân tộc và thực hiện nghi lễ cưới hỏi theo truyền thống vẫn được đồng bào dân tộc Sán Chỉ (xã Nhượng Bạn), dân tộc Dao (xã Mẫu Sơn, Ái Quốc) kế thừa phát huy. Đa số các đám cưới quy mô tổ chức duy trì từ 30 đến 50 mâm, việc ăn uống cơ bản tiết kiệm, không phô trương lãng phí, không tổ chức linh đình, kéo dài 2- 3 ngày như trước đây.
Tại khu vực thị trấn và các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, ý thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực như: trong đám cưới đã không mở nhạc gây ồn ào sau 10 giờ đêm; hiện tượng uống rượu say trong đám cưới đã giảm hẳn và đã bỏ hẳn được tập quán mỗi mâm cỗ phải có một bao thuốc lá. Các đám cưới đều thực hiện tốt quy định của pháp luật như: chấp hành an toàn giao thông, trật tự công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Ông Vy Văn Lợi, khu 1, thị trấn Na Dương chia sẻ: Được khu phố tuyên truyền và ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới nên 100% hộ gia đình trong khu khi có đám cưới đều không tổ chức linh đình dài ngày, không mời thuốc lá, giảm rượu bia. Đại bộ phận người dân ở các khu trong thị trấn Na Dương đều tổ chức tiệc cưới với nghi lễ đơn giản hơn.
Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình có 7.388 cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn tại UBND xã, thị trấn; tỷ lệ đám cưới theo nếp sống văn hóa mới đạt 63,6%; việc cưới tảo hôn cơ bản được khắc phục. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào hương ước, quy ước thôn bản, khu phố.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()