Nếp cái hoa vàng - đặc sản nơi quê hương cách mạng
LSO-Nói đến Bắc Sơn (Lạng Sơn) là nói đến vùng văn hóa cổ xưa - “Văn hóa Bắc Sơn”, là nói đến Khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng với những địa danh như đèo Tam canh, đồn Mỏ Nhài, đền Nông Lục... và những đặc sản nổi tiếng như quýt và các loại bánh, rượu bằng nếp cái hoa vàng.
Sản phẩm nếp cái hoa vàng của gia đình bà Dương Thị Mẫn, thôn Đông Đằng xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn |
CỦA NGON HIẾM GẶP
Nghe chúng tôi đi công tác tại huyện Bắc Sơn những ngày giáp tết, bạn bè, người thân ai cũng nhắn tin mua giúp yến gạo nếp cái hoa vàng để gói bánh chưng hoặc nấu xôi chè cúng giao thừa. Dạo quanh khắp chợ gạo thị trấn Bắc Sơn với la liệt các loại gạo ngon, từ các loại gạo thường ăn đến gạo tám thơm, nếp nương… đều có đủ, song khi hỏi đến gạo nếp cái hoa vàng thì ai cũng… lắc đầu. Bà Dương Thị Hẻo, một người làm hàng xáo có tiếng của thị trấn Bắc Sơn nói rằng, loại gạo này ít nên không có để bày ra chợ bán mà chủ yếu là những thương lái vào tận nơi mua thóc về xát để “phân phối” cho những nhà hàng đặc sản ở thành phố Lạng Sơn hoặc những địa chỉ dưới xuôi. Muốn mua phải vào tận trong xã Bắc Sơn để hỏi, vì ngay tại xã Bắc Sơn cũng chỉ có một số thôn là trồng được loại lúa này.
Khi chúng tôi hỏi về xuất xứ của lúa nếp ngon có tiếng này, ông Dương Công Khoa, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn nói rằng, chẳng ai còn nhớ giống lúa này từ đâu đến và được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ trước năm 1940, có một số người gieo cấy một vài thước để ăn tết và chế biến các loại bánh trong các ngày tiết, lễ; song sản xuất được chút nào, bọn quan lại địa phương cướp hết, đến nỗi họ phải mang vào trong hang giấu để sử dụng dần và làm giống. Kỳ lạ thay, giống cất trong hang khi mang ra gieo cấy lại thơm ngon hơn vụ trước. Qua những chuyện đó, người ta tin rằng, tinh khí của đất trời đã quy tụ vào hạt giống để mang lại một thứ hương vị đặc biệt cho con người nơi đây.
Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng cao về sản lượng lương thực, do năng suất của loại nếp này thấp, ít người trồng, nên loại nếp này đã bị mai một. Việc sử dụng gạo làm bánh chưng, bánh Tày, ủ rượu… người ta thường lấy gạo nếp nương hoặc nếp thường thay thế. Giống nếp cái hoa vàng chỉ thực sự được đánh thức khi nhu cầu của người dân tăng cao, loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn bắt đầu phát triển. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng trồng được loại lúa thơm ngon như ở xã Bắc Sơn. Ngay tại xã Bắc Sơn cũng chỉ có những hộ gia đình của thôn Bắc Sơn và Đông Đằng có loại sản phẩm đặc biệt này mà thôi. Vì vậy, tổng sản lượng rất có hạn với khoảng 200 tấn mỗi năm. Đã có nhiều người ở các nơi khác trong tỉnh, đặc biệt là ở huyện Tràng Định- nơi “gạo trắng nước trong”, quê hương của nhiều loại lúa gạo ngon có tiếng mua giống về gieo trồng, song cũng không được thơm ngon như vậy. Ngay cả khi hạt giống di chuyển sang thôn bên, hoặc xã bên cạnh như Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh… cũng đã khác.
THỊ TRƯỜNG VÀ TRIỂN VỌNG
Bà Dương Thị Mẫn, thôn Đông Đằng chỉ những bao nếp cái hoa vàng dưới sàn nhà kể: “Cùng với một số hộ trong thôn, gia đình tôi có truyền thống trồng loại nếp này. Hằng năm, dù no dù đói cũng phải có một vài sào nếp cái hoa vàng để đồ xôi, gói bánh thờ cúng tổ tiên. Từ khi nhu cầu thị trường về loại này tăng cao, chúng tôi đã mạnh dạn trồng loại này làm sản phẩm hàng hóa. Năm nay, gia đình tôi cấy 1,5 mẫu, thu hoạch trên 2 tấn, giá bán 22 ngàn đồng/ kg thóc, quy ra gạo là trên 30 ngàn đồng/kg. Do thu hoạch đúng vào thời điểm mưa, lúa không được nắng, nhưng cho đến những ngày cận tết này, danh sách những người đăng ký mua cũng đã vài trang giấy”. Khi được hỏi tại sao lại ít người trồng loại lúa này, bà nói: “Có lẽ là vì loại lúa này rất “kỹ tính”, chỉ những khu ruộng trong lũng với núi đá, khí hậu đặc trưng của khu vực, nước trong sạch thì gạo mới thơm ngon, nên những người có ruộng vùng ngoài không trồng được”. Nghe câu chuyện giữa chúng tôi và chủ nhà, một bà hàng xóm nói thêm: “Chú không thể tưởng tượng được nó thơm như thế nào đâu. Chỉ một người đồ xôi bằng nếp cái hoa vàng, cả xóm trăm nóc nhà đều thấy mùi thơm. Mà người dân ở đây còn phân biệt được đâu là mùi thơm của nếp cái hoa vàng trồng ở Đông Đằng, Bắc Sơn với mùi hương của nếp cái hoa vàng ở các thôn khác”.
Khi du lịch cộng đồng ở Quỳnh Sơn và Bắc Sơn được mở ra, sản phẩm nếp cái hoa vàng đã cùng có mặt với các sản vật khác làm nên nét khác biệt trong các tour du lịch Hà Nội- Quỳnh Sơn- Bắc Sơn, Lạng Sơn- Đồng Đăng- Quỳnh Sơn- Bắc Sơn với bánh chưng, bánh Tày, xôi ong, xôi cẩm và đặc biệt là rượu ngâm bằng nếp cái hoa vàng. Vào đầu xuân, sẽ thật may mắn nếu ai đó được thưởng thức rượu và các sản phẩm bằng nếp cái hoa vàng, cùng với gà đồi, quýt ngọt trong ngôi nhà sàn ấm cúng, hòa mình vào các lễ hội dân gian trong cái rét nhẹ của mùa xuân Bắc Sơn…
TRẦN KIM
Ý kiến ()