Nền tảng phát triển quan hệ giữa Việt Nam với UAE và Thổ Nhĩ Kỳ
Năm 2023, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/6/1978-7/6/2023), Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1993-1/8/2023), trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với UAE và Thổ Nhĩ Kỳ có những bước phát triển mạnh mẽ. UAE và Thổ Nhĩ Kỳ là những đối tác quan trọng của Việt Nam ở Trung Ðông, với tiềm năng hợp tác rất lớn.
Giới thiệu hàng nông sản của Việt Nam tại UAE. |
Trong 30 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và UAE ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, lao động và du lịch. Sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố. Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng. UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Ðông-Bắc Phi, cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE tăng gấp 27,5 lần so với năm 2006. Trong tổng kim ngạch thương mại, Việt Nam xuất siêu 3,27 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của UAE tại khu vực Ðông Nam Á. Quan hệ kinh tế giữa hai bên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa, nhờ vào đặc thù là hai nền kinh tế có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau.
Nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và UAE có triển vọng sáng, như thương mại và đầu tư, nhất là sau khi hai nước khởi động đàm phán Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA). Phía UAE xác định CEPA sẽ là một trong ba trụ cột ưu tiên từ nay đến năm 2030 và cả giai đoạn tiếp sau. CEPA được ký kết sẽ là hiệp định có quy mô lớn nhất, toàn diện nhất, mang ý nghĩa lớn và là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE, mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác chiến lược chung về thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Hiệp định này hứa hẹn sẽ đưa quan hệ hai nước nói chung và hợp tác kinh tế nói riêng đi vào thực chất, hiệu quả và toàn diện. CEPA sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang UAE, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh quan hệ thương mại và dịch vụ sang các nước khu vực Trung Ðông-châu Phi. Ðồng thời, CEPA cũng thúc đẩy đầu tư của UAE sang Việt Nam và mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng khác như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đầu tư, logistics, công nghệ, du lịch, nông nghiệp…
Hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và UAE có nền tảng phát triển, khi UAE có thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, khai thác và chế biến dầu khí. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một ưu tiên. Ðây là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và có thể giúp bảo đảm an ninh lương thực cho UAE. Hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và logistics đứng trước nhiều cơ hội, khi đây là lĩnh vực UAE có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu lớn.
Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và phát triển đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong ASEAN. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Ðông và Nam Âu (các mặt hàng như gạo, cao-su, chè, may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ…). Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD.
Về đầu tư, tính lũy kế tháng 10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các dự án nổi bật đã và đang được triển khai gồm: Công ty Hayat Kimya đầu tư 250 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chất tẩy rửa, giấy vệ sinh… tại tỉnh Bình Phước; Công ty Bora Lastik mua cổ phần của Công ty Cao-su Ðà Nẵng. Tháng 8/2023, Công ty IC Ictas (thuộc Tập đoàn IC Holdings) của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu Liên danh Vietur trúng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành.
Ðể tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước, tháng 6/2016, Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) mở đường bay thẳng Istanbul-Hà Nội (chuyển tiếp qua Thành phố Hồ Chí Minh) với tần suất 7 chuyến/tuần. Tháng 6/2019, Turkish Airlines chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tháng 6/2023, Vietnam Airlines và Turkish Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh.
Với mối quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Trong thảm họa động đất tại miền đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ (2/2023), Chính phủ Việt Nam đã viện trợ 100.000 USD và cử hai đội cứu hộ, cứu nạn sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả. Tinh thần “tương thân tương ái” của đoàn cứu hộ Việt Nam được Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao.
Kết quả tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, cùng với nhận thức chung giữa các nhà lãnh đạo về tầm nhìn mối quan hệ là những nền tảng quan trọng để Việt Nam và hai nước tiếp tục kết nối, hợp tác sâu rộng hơn. Với tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, quan hệ đối tác Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, hiệu quả và thực chất hơn trên tất cả các lĩnh vực.
Nguồn: https://nhandan.vn/nen-tang-phat-trien-quan-he-giua-viet-nam-voi-uae-va-tho-nhi-ky-post784946.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()