Nền tảng phát triển kinh tế bền vững
LSO-Những năm gần đây, Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển thương mại nội địa. Trong đó tập trung nâng cấp hạ tầng, thu hút đầu tư, đặc biệt là thực hiện văn minh thương mại nhằm tạo nền tảng để phát triển kinh tế bền vững.
Khu chăm sóc khách hàng tại Siêu thị điện máy Xanh, thành phố Lạng Sơn |
Thu hút đầu tư
Trong vài năm gần đây, các nhà đầu tư đã xây dựng và đưa vào hoạt động hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như: Đồng Tiến, Thế giới di động, Điện máy xanh, Trần Anh… Cùng với đó là một số trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn cũng đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành. Điều này khẳng định hệ thống thương mại hiện đại tại địa bàn đang dần phát triển, khả năng thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực này ngày càng cao.
Việc đầu tư xây dựng, quản lý hệ thống chợ truyền thống, yếu tố quan trọng phục vụ quá trình giao thương hàng hóa nội địa cũng đang được thực hiện đồng bộ. Ngành công thương đã yêu cầu Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn xây dựng phương án đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ Đông Kinh, xây mới chợ Chi Lăng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh đã phê duyệt các dự án nâng cấp chợ truyền thống tại các huyện như: chợ trung tâm thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn; chợ Na Dương, huyện Lộc Bình; chợ trung tâm thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định.
Ông Lê Xuân Lô, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Tỉnh chủ trương phát triển thương mại theo hướng văn minh, tạo môi trường bình đẳng, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư cũng như các vấn đề liên quan khác. Trong đó, các yếu tố môi trường, ứng dụng thương mại điện tử; áp dụng đồng bộ các giải pháp để phát huy nội lực, kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài đẩy mạnh hiện đại hóa trong lĩnh vực thương mại là một trong các mục tiêu hướng đến.
Văn minh thương mại
Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, trong đó nòng cốt là ngành công thương thực hiện các giải pháp xây dựng văn minh thương mại tại các huyện, thành phố, nhất là các chợ, trung tâm thương mại vốn đã nổi tiếng và thu hút lượng khách du lịch lớn như: chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa, chợ Tân Thanh… Trong đó, thành phố Lạng Sơn đang tiên phong triển khai hiệu quả.
Từ đầu năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng, chủ chốt là quản lý thị trường đã phối hợp với ban quản lý các chợ tổ chức hơn 10 cuộc tập huấn kiến thức về pháp luật, văn minh thương mại, đặc biệt là quán triệt về thái độ bán hàng cho trên 3.000 hộ kinh doanh. Thực hiện công khai, dán số điện thoại đường dây nóng tại các chợ, nhà hàng, khách sạn lớn để khách hàng kịp thời phản ánh các trường hợp tiêu cực như: “chặt chém”, chèo kéo, tranh giành khách… đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Qua theo dõi đánh giá của các đội, hiện thái độ bán hàng của các tiểu thương đã thay đổi tích cực, hàng hóa bày bán cơ bản được niêm yết giá, nhất là tại các chợ lớn như: Tân Thanh, Kỳ Lừa. Đồng thời, 100% tiểu thương đã ký cam kết thực hiện các quy định về kinh doanh hàng hoá.
Văn minh thương mại từng bước được tỉnh triển khai hiệu quả đã thu hút du khách, kích cầu tiêu dùng hàng hóa. Trong 8 tháng của năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh đạt gần 1,8 triệu lượt khách, tăng 6,04% so với cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt 11.100 tỷ đồng, tăng 14%. Kết quả này đã cho thấy thương mại nội địa là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
ANH DŨNG
Ý kiến ()