Nền tảng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài do độ mở của nền kinh tế cao, Việt Nam khó có thể tạo ra đột phá trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Tuy nhiên, điểm tích cực là triển vọng kinh tế đang tốt dần lên.
Du khách quốc tế tham quan Bà Nà Hills (Ðà Nẵng). |
Liên tiếp hai quý đầu năm 2023, tăng trưởng GDP đều đạt mức thấp hơn kịch bản điều hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, khiến tăng trưởng GDP sáu tháng chỉ đạt 3,72%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6,2% theo kế hoạch.
Kích cầu tiêu dùng nội địa
Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài cũng như từ nội tại của nó. Ðặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như: linh kiện điện tử, dệt may, da giày, chế biến gỗ… sụt giảm và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu tiêu dùng của các thị trường quốc tế giảm mạnh.
Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% rất khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét khi nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động khó lường.
“Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các quý tiếp theo trên cơ sở dự báo bức tranh kinh tế sáu tháng cuối năm. Tôi tin rằng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, nền kinh tế vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Hương nhận định.
Trong số các giải pháp kích thích tăng trưởng, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng cần chú trọng kích cầu tiêu dùng và mở rộng đầu tư để từ đó quay trở lại hỗ trợ phát triển sản xuất. Thị trường nội địa là điểm tựa cho doanh nghiệp trong những lúc thị trường bên ngoài biến động.
Ðề cập các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, GS, TS Hoàng Văn Cường, Ðoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, chính sách giảm 2% thuế VAT được áp dụng từ ngày 1/7 sẽ ngay lập tức tác động đến tiêu dùng của người dân và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp mua nguyên liệu, hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ðây là giải pháp kích cầu nội địa rất quan trọng trong thời điểm thị trường xuất khẩu suy giảm.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua chính sách thị thực (visa) nới lỏng kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Sáu tháng đầu năm, ngành du lịch tăng trưởng bứt phá với sản lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 9,3 lần so với cùng kỳ nhưng mới chỉ bằng 65% mức trước đại dịch Covid-19…
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã có bốn đợt điều chỉnh lãi suất điều hành trong khi các ngân hàng trung ương của nhiều nền kinh tế lớn chưa có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ. Ðộng thái này nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp.
Nhờ sự đồng thuận của Quốc hội và nỗ lực điều hành của Chính phủ, kinh tế Việt Nam tuy còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã có những tín hiệu tích cực hơn từ quý II, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Dư địa cho tăng trưởng cuối năm
Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa cho tăng trưởng còn được thúc đẩy ở hoạt động giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay, nhiều dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, chuyển sang giai đoạn tập trung thi công. Cùng với đó là các dự án khác trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng đã xong về thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Kinh nghiệm cho thấy, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào quyết liệt đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng sẽ đạt tỷ lệ giải ngân cao. Từ thực tế này, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu và có chế tài nghiêm khắc với các tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công và ở các lĩnh vực liên quan đến đầu tư như đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản…, không để chỉ ách tắc trong một khâu ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.
Trong các giải pháp tăng trưởng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần chú trọng phục hồi sức khỏe cho khu vực doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy tháng 6/2023 là thời điểm có số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tính chung sáu tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng cũng có 16,6 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cho thấy triển vọng sản xuất, kinh doanh tuy đã có dấu hiệu tích cực hơn nhưng chưa thực sự mạnh mẽ, còn nhiều trở ngại ở chặng đường phía trước.
Trong tình hình hiện nay, tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phải được triển khai rộng khắp trong bộ máy Nhà nước với quan điểm nếu không tạo được điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp thì cũng đừng làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn.
Ông Ðậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Kiến nghị này xuất phát từ những vấn đề khó khăn đang tích tụ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay. Như tình trạng doanh nghiệp khó thực thi quy định về phòng cháy, chữa cháy vì tiêu chuẩn ban hành quá cao; bế tắc trong việc hoàn thuế VAT; khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng… “Doanh nghiệp phản ánh với VCCI, để xây dựng nhà xưởng cần đầu tư 10 tỷ đồng nhưng riêng chi cho phòng cháy, chữa cháy lên đến 15-16 tỷ đồng cho nên doanh nghiệp rất khó đáp ứng.
VCCI cũng tiếp nhận rất nhiều kiến nghị về nội dung đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế VAT của doanh nghiệp ngành gỗ, sắn, chế biến nông lâm sản vì trong chuỗi cung ứng, chỉ một nhà cung cấp bị ách tắc về nguồn gốc doanh nghiệp là bị dừng lại giải trình với ngành thuế khiến hàng chục tỷ đồng bị mắc kẹt, dòng tiền về chậm làm đình trệ sản xuất, kinh doanh”, ông Ðậu Anh Tuấn dẫn chứng.
Ðể đạt được kết quả tăng trưởng cao nhất có thể trong những tháng còn lại của năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, chính trị thế giới, cạnh tranh thị trường và hiệu quả triển khai các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở nhận diện, đánh giá những khó khăn, thách thức nền kinh tế đang phải đối mặt, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả thực thi các chính sách đó chính là nền tảng quan trọng cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Ý kiến ()