Nên quan tâm quyền lợi doanh nghiệp
LSO-Thông tư số 05/2014/TT-BCT ban hành ngày 17/1/2014 có hiệu lực từ ngày 20/2/2014, quy định về hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa. Thông tư nhằm thắt chặt hơn việc quản lý của các cơ quan quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất. Thế nhưng, nhiều vấn đề trong thông tư đã khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh dở khóc, dở cười.
![]() |
Hàng tạm nhập tái xuất chờ xuất tại cửa khẩu Chi Ma |
Lâu lắm mới gặp anh Nguyễn Anh Quân, Giám đốc Công ty Kinh doanh Thương mại A&Q Lạng Sơn. Chưa kịp chào hỏi anh đã cất giọng thật buồn: “Chú ạ không hiểu sao doanh nghiệp đang làm ăn tốt, đóng góp cho nhà nước hàng tỷ đồng ngân sách mỗi tháng thì giờ phải ách lại vì Thông tư 05”. Nói rồi anh thở dài. Chưa hiểu Thông tư 05 nội dung cụ thể là gì, chúng tôi đã tới gặp các “chuyên gia” xuất nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp để hỏi.
Theo đó, Thông tư 05 điều chỉnh trong lĩnh vực hàng hóa tạm nhập tái xuất. Nếu áp dụng thông tư này sẽ loại bỏ được các doanh nghiệp yếu, khuyến khích sự an toàn, đầu tư của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên cái mắc lớn nhất ở đây là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không còn cơ hội hoạt động và có sự độc quyền trong kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu bởi chỉ một vài doanh nghiệp thực hiện được. Theo anh Quân thì Lạng Sơn sẽ không có doanh nghiệp nào thực hiện nổi. Vì mặc dù Lạng Sơn có trên 1.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, nhưng cơ bản là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, số vốn đăng ký không đáng kể. Trong đó có 9 doanh nghiệp đang thực kiện kinh doanh hàng chuyển khẩu tạm nhập tái xuất. Mặc dù nhỏ như vậy nhưng các doanh nghiệp này đã đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho lao động địa phương, từ đó giữ vững sự ổn định nơi biên giới cửa khẩu. Thực hiện thông tư 05 mỗi doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ từ 7 đến 10 tỷ đồng.
Theo chị Vũ Thị Hồng, doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất, chúng tôi lấy công làm lãi và nộp ngân sách thì kiếm đâu ra 10 tỷ đồng để ký quỹ. Vậy thì thà phá hợp đồng, chịu phạt và rất dễ dẫn đến phá sản. Thứ nữa thông tư quy định về hạ tầng bến bãi, với quy định mới về hạ tầng như vậy, phải có kho lạnh đủ tiêu chuẩn thì làm sao có thể đầu tư ngay được. Đầu tư phải là một quá trình trên cơ sở tích lũy vốn. Doanh nghiệp ở Lạng Sơn cơ bản là doanh nghiệp trẻ, số vốn chưa lớn nên khó có thể đầu tư theo yêu cầu. Mà như vậy hàng hóa sẽ dồn sang các cửa khẩu khác. Trong khi đó tại các cửa khẩu phía Bắc hầu như chưa có cửa khẩu nào đảm bảo đủ kho lạnh đúng tiêu chuẩn đề ra.
Một điểm bất lợi nữa cho doanh nghiệp là hàng hóa tạm nhập tái xuất chỉ được lưu giữ tại Việt Nam trong vòng 45 ngày. Tối đa một lần gia hạn. Lần gia hạn thêm không quá 15 ngày. Như vậy điều kiện thực tế đã khó có thể áp dụng được. Hiện trung bình các cửa khẩu tại Lạng Sơn cũng chỉ xuất được tối đa tầm 100 xe tạm nhập tái xuất. Thế nhưng, thời gian để làm thủ tục từ cảng biển trung bình mỗi lô hàng phải mất đến 60 ngày. Các doanh nghiệp không thể có sức mà chạy đủ thủ tục trong vòng đúng 60 ngày và cả lưu thông trên đường, chờ xuất, lưu kho… Sẽ quá mạo hiểm cho doanh nghiệp với khoảng thời gian khít khao như vậy.
Thêm vấn đề nữa là hiệu lực áp dụng thông tư từ ngày 20/2/2014. Đây là điều khó thực hiện vì thực tế rất nhiều lô hàng đã nhập về trước đó, hàng tồn phải đến cuối năm 2014 mới giải quyết xong. Nếu hiệu lực áp dụng thông tư như trên thì doanh nghiệp không còn thời gian để chuẩn bị. Theo anh Nguyễn Anh Quân, thực hiện cần phải có lộ trình. Không nên đưa ra thời hạn bất ngờ quá khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ Thông tư 05, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trực tiếp có ý kiến tháo gỡ. Theo chúng tôi được biết các ý kiến của doanh nghiệp, của tỉnh đang được các bộ, ngành xem xét và có rất nhiều tín hiệu khả quan. Như vậy càng khẳng định ý kiến của tỉnh không bỏ rơi doanh nghiệp, luôn song hành cùng doanh nghiệp trong mọi điều kiện.
Với Thông tư 05, có lẽ khi thực hiện cần quan tâm đến quyền lợi doanh nghiệp hơn, có lộ trình để tạo sân chơi thật bình đẳng, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Đồng thời tạo yếu tố vừa quản lý chặt vừa thực hiện thu ngân sách Nhà nước.
ĐÔNG BẮC

Ý kiến ()