Nên kiểm tra, xử lý "cuốn chiếu" văn bản quy phạm pháp luật
Đó chính là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong cuộc họp lấy ý kiến cho dự thảo báo cáo công tác kiểm tra xử lý VBQPPL chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2010, công tác kiểm tra xử lý VBQPPL đã ngày càng phát huy được vai trò “kiểm soát” của mình song phản hồi từ các cơ quan bị “nhắc nhở” vẫn còn quá chậm.
Theo số liệu của chín Bộ, ngành và 62 địa phương trong năm 2010 cơ quan kiểm tra văn bản (VB) ở các Bộ, ngành và địa phương đã tự kiểm tra 10.078 VB và rà soát được 89.392 VB do mình ban hành. Qua tự kiểm tra, các Bộ, ngành và địa phương đã phát hiện 237/10.078 VB có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm 2,3% số VB đã tự kiểm tra). Các Bộ, ngành và địa phương bước đầu đã phát hiện 1.494/12.049 VB có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm 12,3% số VB các Bộ, ngành và địa phương tiếp nhận để kiểm tra).
Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) thừa nhận, hạn chế lớn nhất trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL trong năm 2010 chính là việc xử lý VB theo thông báo của cơ quan kiểm tra. Thực tế hiện nay, hầu hết các cơ quan, địa phương có VB bị “tuýt còi” thường rất chậm trả lời hoặc có xử lý lại không đúng pháp luật. Hậu quả lớn nhất của cách xử lý theo kiểu “làm cho xong” là không giải quyết một cách dứt điểm những vấn đề phát sinh, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức do suốt thời gian dài bị áp dụng VB trái pháp luật.
Bên cạnh đó, số lượng VB được kiểm tra so với số lượng VB tiếp nhận (hoặc được giao) để kiểm tra còn thấp; Nhiều VB chưa được cơ quan ban hành tự kiểm tra, xử lý kịp thời sau khi nhận được thông báo của cơ quan kiểm tra VB có thẩm quyền; Nhiều VB có dấu hiệu trái pháp luật chưa được phát hiện kịp thời hoặc chưa đầy đủ; Việc theo dõi quá trình xử lý VB trái pháp luật của các cơ quan ban hành chưa chặt chẽ; Tỷ lệ văn bản được kiến nghị, xử lý so với số lượng VB được phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật thấp…
Từ những hạn chế trong công tác kiểm tra VBQPPL, các chuyên gia pháp lý còn nhận thấy, hệ thống pháp luật về công tác này còn nhiều “lỗ hổng”. Đặc biệt là chưa có qui định về thời hạn phải kiểm tra VBQPPL sau khi được ban hành. Nên trong thực tế công tác kiểm tra chậm, nhiều VB phải bốn, năm năm sau mới được kiểm tra dù đáng lẽ phải kiểm tra ngay để hạn chế hậu quả nếu có.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, cần đổi mới cách tiếp cận việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL, không thực hiện theo kiểu được chăng hay chớ, mà phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của từng thời kỳ và thực hiện kiểm tra, xử lý “cuốn chiếu” theo các nội dung trọng tâm trong năm. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng bỏ ngỏ VB khi chưa xác định được trọng tâm về công tác kiểm tra VBQPPL trên cả nước.
Ý kiến ()