Nên hay không nên cho trẻ đi học trước khi vào lớp một?
Với mong muốn con em mình có sẵn hành trang kiến thức để chuẩn bị vào lớp một không bị bỡ ngỡ, thua kém bạn bè, nhiều phụ huynh học sinh đã cho trẻ đi học trước chương trình.
Với mong muốn con em mình có sẵn hành trang kiến thức để chuẩn bị vào lớp một không bị bỡ ngỡ, thua kém bạn bè, nhiều phụ huynh học sinh đã cho trẻ đi học trước chương trình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục thì việc làm đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Chung quanh vấn đề này, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Phạm Ngọc Ðịnh cho biết: Với trẻ trước sáu tuổi, Bộ GD và ÐT đã có chương trình giáo dục mầm non phù hợp với lứa tuổi này. Ở độ tuổi đó, các em được hoạt động vui chơi là chính, trong đó trẻ được chơi với các đồ vật có in hình con số, chữ cái để nhận biết mặt chữ, số. Khi vào lớp một, theo chương trình, tuần đầu tiên trẻ sẽ được làm quen với môi trường mới, nền nếp học tập, giáo viên, bạn bè với mục đích để trẻ thích đến lớp. Ðây là giai đoạn chuẩn bị cho các cháu chuyển dần từ hoạt động vui chơi ở mầm non và bắt đầu chuyển sang hoạt động học tập ở lớp một. Cho nên việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp một là phản khoa học, làm mất đi giai đoạn đầu làm quen, mất đi sự háo hức khi vào lớp một, dễ làm cho trẻ chủ quan, ảo tưởng về nhận thức của mình cũng như gây ảnh hưởng tới các bạn trong lớp. Mặt khác, nếu người dạy không chu đáo thì những kỹ năng cơ bản như hướng dẫn cầm bút, tư thế ngồi… sẽ không đạt chuẩn mực, sẽ rất khó sửa khi các cháu chính thức học ở lớp một. Nếu ngay cả khi có được sự chuẩn mực thì cũng là ép trẻ học sớm và khi đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ, nhất là phát triển hệ cơ, xương và thần kinh, gây ra những khiếm khuyết sau này.
Tuy nhiên, trao đổi ý kiến với chúng tôi về việc nên hay không nên cho trẻ học trước khi vào lớp một, chị Nguyễn Thu Giang (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Trước khi con tôi vào lớp một, cũng có nhiều người khuyên cho cháu đi học trước để theo kịp chương trình và không bị bỡ ngỡ. Tuy nhiên, tôi kiên quyết không cho cháu đi học trước vì sợ cháu chủ quan, nhưng ai dè khi vào lớp một, các bạn cùng lớp đã biết đọc, biết viết thì con tôi vẫn chưa biết phát âm, còn viết thì rất chậm. Hết học kỳ một, môn Toán thì cháu học rất nhanh nhưng tập viết vẫn là vấn đề khó khăn, cô giáo phê bình rằng cháu viết chậm hơn các bạn. Ðồng quan điểm với chị Giang, chị Trần Bích Hảo (quận Hoàn Kiếm) cũng chia sẻ: Con tôi cũng sắp vào lớp một, ý định ban đầu cũng là để cháu vào lớp một rồi học chữ, không cho học trước nhưng đến bây giờ khi các bạn của cháu đã biết đọc biết viết thì làm sao có thể ngồi yên được, đành phải cho cháu đi học. Một phần cũng do chương trình lớp một hiện tại là chỉ học tập viết có khoảng một tháng đầu tiên, sang tháng thứ hai thì đã viết chính tả rồi, nếu không học trước thì làm sao theo kịp. Tôi không cổ súy cho việc học trước khi vào lớp một, nhưng đó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận.
Việc học hay không học trước chương trình lớp một cũng là một vấn đề đáng quan tâm vì khi trẻ vào lớp một, cần nhận biết rất nhiều mặt chữ, nét chữ này viết chưa quen thì các em đã phải chuyển sang nét chữ mới, cho nên nếu trẻ không đi học trước thì sẽ khó theo được chương trình. Nhất là những trẻ sinh muộn thì tay rất yếu cho nên cần đi luyện trước để tay cứng cáp. Bên cạnh đó, có một thực tế, học sinh lớp một học yếu thì cô giáo hỏi phụ huynh học sinh rằng vì sao không cho con học trước, chứng tỏ nhiều giáo viên đã quen với việc học sinh lớp một phải biết đọc, biết viết. Mặt khác, giáo viên phải dạy theo tiến độ chương trình mà một lớp thì rất đông học sinh, mỗi học sinh có một khả năng tiếp thu khác nhau cho nên giáo viên không thể kèm cặp, chỉ bảo từng học sinh một.
Phải nói rằng, trẻ từ mẫu giáo vào học lớp một có quá nhiều thay đổi, nếu không có bước đệm thì học sinh sẽ lúng túng. Với các môn học khác thì không nên dạy, nhưng việc cho trẻ em học chữ trước khi vào lớp một phải được cân nhắc kỹ.
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học PHẠM NGỌC ÐỊNH:
Ðể giảm áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh, Bộ GD và ÐT đã có hướng dẫn về việc đánh giá học sinh tiểu học chỉ bằng nhận xét thay vì cho điểm để không gây áp lực cho học sinh. Tuy nhiên vẫn có nhiều giáo viên chưa bỏ thói quen cho điểm. Trong thời gian sớm nhất, Bộ sẽ có công văn yêu cầu các địa phương phổ biến đến các trường về việc giáo viên không được chấm điểm đối với học sinh lớp một, ít nhất là trong học kỳ một. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chú trọng việc bố trí chương trình phù hợp hơn, đội ngũ giáo viên có chuyên môn, nhiệt tình, yêu trẻ để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Nhandan
Ý kiến ()