Nền đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”
Trường phái đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra tháng 12/2021, cũng là Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên. Nhiều chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá cao ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn của trường phái đối ngoại đặc sắc này.
Phó Giáo sư Piotr Tsvetov, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga-Việt dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó có chính sách đối ngoại. Ông Piotr Tsvetov nhận định, trường phái ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” là nền tảng ứng xử của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo ông Piotr Tsvetov, “gốc vững” là lợi ích không lay chuyển trong bảo vệ độc lập, tự chủ; “thân chắc” là sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân Việt Nam và với nhân dân các nước; “cành uyển chuyển” là sự điều chỉnh chiến lược tính đến những thay đổi trên trường quốc tế.
Còn với Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc), trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” là sự kế thừa truyền thống lịch sử của đất nước Việt Nam, cụ thể hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời dựa trên những điều kiện cụ thể trong bối cảnh thời đại ngày nay.
Theo ông Thành Hán Bình, nền ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” giúp Việt Nam thiết lập và thúc đẩy quan hệ với nhiều nước, mở rộng mạng lưới đối tác trong điều kiện bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều này giúp vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, đồng thời tạo ra những kỳ tích về kinh tế với tốc độ phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Là một học giả có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, ông Thành Hán Bình nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ cũng như tình hữu nghị giữa hai nước. Khẳng định sự ghi nhận và đánh giá cao đối với những đóng góp to lớn này, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chia sẻ nhận định về cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia cho rằng, tác phẩm mang tính cô đọng, sâu sắc, thể hiện tầm nhìn bao quát trên mọi phương diện, từ chính trị, đối ngoại đến an ninh-quốc phòng, kinh tế và văn hóa. Theo ông Uch Leang, cuốn sách là một quá trình chắt lọc, đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn với cách tiếp cận chân thực và khoa học.
Đề cập nội dung trong cuốn sách, ông Uch Leang nhận định, Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới. Việt Nam trở thành thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, ASEAN...; đảm nhiệm các trọng trách, như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025...; tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương, ký kết nhiều hiệp ước, hiệp định quan trọng với các nước. Theo ông Uch Leang, những thành tựu này đạt được nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đồng lòng, chung sức của toàn thể người dân Việt Nam, những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao cũng như sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Các học giả quốc tế đều nhận định, việc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các quốc gia góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Những thành quả lớn lao đó dựa trên trường phái đối ngoại và ngoại giao độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Ý kiến ()