Nên cải cách để thể hiện sự bình đẳng
LSO-“Đơn”, “tờ khai” là giấy tờ có trong các hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Khái niệm “đơn” và “tờ khai” hoàn toàn khác nhau, theo quan điểm của đại diện ngành chức năng và người dân thì nên cải cách không để “đơn xin” trong hồ sơ TTHC.
Người dân phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của UBND phường |
Theo từ điển tiếng Việt, “đơn từ” là đơn yêu cầu. “Đơn” được hiểu là loại giấy tờ đính kèm trong bộ hồ sơ TTHC dành cho những tổ chức, cá nhân đang có nhu cầu thực hiện TTHC. Trong phần nội dung của “đơn”, tổ chức, cá nhân trình bày về nguyện vọng, yêu cầu được thực hiện một TTHC nào đó. Đại diện cơ quan nhà nước đọc đơn và các giấy tờ liên quan để xem xét, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Khác với một số giấy tờ khác mang tính quy phạm, “đơn” là loại văn bản có thiên hướng cá nhân, người viết có thể thể hiện tình cảm, nguyện vọng, quan điểm của mình trong đó. Nội dung của “đơn xin” khác nhau tùy vào văn phong của từng người nhưng cơ bản gồm 3 phần: phần mở đầu (giới thiệu về bản thân); phần thân (trình bày lý do viết đơn); phần kết (bày tỏ mong muốn được thực hiện, giải quyết TTHC nào đó và có thể có số điện thoại liên hệ, lời cảm ơn để thuyết phục cơ quan nhà nước). Hiện tại, “đơn” còn hiện hữu phổ biến trong các hồ sơ TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, người có công, xin cấp phép quảng cáo…
Trong khi đó, “tờ khai” lại là loại giấy tờ mà ở trên đó, tổ chức hoặc cá nhân khai với nhà chức trách. Nội dung trong tờ khai ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức hoặc họ tên, địa chỉ, thông tin về giấy tờ tùy thân của người yêu cầu; đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết một công việc hành chính nào đó. “Tờ khai” xuất hiện trong các hồ sơ TTHC đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, thực hiện thủ tục nộp thuế, hải quan, quá cảnh…
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lạng Sơn cho rằng: “Tờ khai” và “đơn” thể hiện 2 góc độ khác nhau. “Tờ khai” thể hiện sự bình đẳng giữa người dân với cơ quan hành chính nhà nước. Người làm “tờ khai” có quyền đề nghị cơ quan nhà nước giải quyết một công việc hành chính nào đó, còn “đơn” thì người viết phải xin hoặc đề nghị cơ quan nhà nước giải quyết. Nghĩa của từ “khai” và “xin”, “đề nghị” hoàn toàn khác nhau. Với “tờ khai”, cơ quan nhà nước sẽ phải có trách nhiệm giải quyết đề nghị của tổ chức, cá nhân; còn với “đơn” thì cơ quan nhà nước không bị bắt buộc giải quyết mà có thể xem xét giải quyết hoặc không giải quyết. Do đó, cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, thể hiện được quyền của người dân với cơ quan nhà nước.
Ông Hoàng Duy Nông, khối 3, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn bày tỏ quan điểm: Khi nhà nước đã có quy định và ban hành quy trình giải quyết các TTHC đang có hiệu lực thi hành trên các lĩnh vực thì không nên yêu cầu người dân phải viết “đơn” vì đó là trách nhiệm cơ quan nhà nước phải giải quyết. Thay vào đó nên yêu cầu người dân làm “tờ khai” kê khai những thông tin cần thiết phục vụ cho việc giải quyết TTHC.
Hiện tỉnh Lạng Sơn có hơn 1.700 TTHC được thực hiện ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Mặc dù không có con số tổng hợp chính thức nhưng trong tổng số TTHC đang thực hiện ở 3 cấp còn nhiều TTHC có thành phần hồ sơ là “đơn xin”, “đơn đề nghị”. Thời gian qua, Sở Tư pháp – cơ quan đầu mối về hoạt động kiểm soát TTHC của tỉnh và đoàn kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC của tỉnh thường tuyên truyền các cơ quan, đơn vị hành chính tăng cường theo dõi, rà soát và kiến nghị, đề xuất phương án đơn giản hóa đối với những hồ sơ TTHC có thành phần là “đơn” sang thay thế bằng “tờ khai”. Năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan hành chính cấp tỉnh rà soát 74 TTHC trọng tâm. Theo lộ trình đến năm 2020, sẽ rà soát toàn bộ hơn 1.700 TTHC đang có hiệu lực thi hành để phát hiện các quy định bất hợp lý và kiến nghị, đề xuất phương án đơn giản hóa. Hy vọng rằng, “đơn” sẽ không còn xuất hiện trong các hồ sơ TTHC trong thời gian tới để thể hiện được quyền bình đẳng và sự gần gũi giữa tổ chức, người dân với quan hành chính nhà nước.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()