Nên bổ sung quy định bảo đảm việc thực hiện quyền công dân
Xác định rõ ràng, cụ thể về quyền con người và quyền công dân là để khẳng định bản chất của Nhà nước ta. Hiến pháp cần khẳng định, bảo vệ các quyền của con người và quyền công dân. Vì tự do, hạnh phúc của con người là mục đích nhân văn, tối thượng, duy nhất của Hiến pháp và pháp luật. Vì thế, tôi cho rằng mục đích này cần xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp.Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992 (sửa đổi năm 2013) quy định các nội dung cơ bản về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định Nhà nước, xã hội có trách nhiệm thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ các quyền này. Điểm mới trong Chương II là có sự phân biệt giữa quyền con người với quyền công dân. Khi quy định về các quyền hoặc nghĩa vụ đối với tất cả mọi người, không phân biệt công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch, thì Dự thảo dùng khái niệm "mọi người",...
Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992 (sửa đổi năm 2013) quy định các nội dung cơ bản về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định Nhà nước, xã hội có trách nhiệm thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ các quyền này. Điểm mới trong Chương II là có sự phân biệt giữa quyền con người với quyền công dân. Khi quy định về các quyền hoặc nghĩa vụ đối với tất cả mọi người, không phân biệt công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch, thì Dự thảo dùng khái niệm “mọi người”, những quyền hoặc nghĩa vụ chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam thì dùng khái niệm “công dân”. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các thiết chế Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người và quyền công dân. Do đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cơ quan dân cử, các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm cho công dân thực hiện quyền của mình.
Tôi đề nghị bổ sung khái niệm “quyền con người” vào Điều 3 trong Dự thảo: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Bổ sung nội dung này để quy định toàn diện hơn, không hạn chế trong phạm vi “quyền làm chủ của nhân dân”. Quyền con người có thể được tách riêng thành nhiều nhóm quyền theo các đối tượng khác nhau (dù tương đối), như quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ, quyền của lao động di cư, quyền của người khuyết tật… Trong thực tế, không phải người dân nào cũng có khả năng, điều kiện để làm chủ xã hội. Vì trong xã hội nào cũng vậy, số người sống phụ thuộc là không nhỏ, như trẻ em, người già ốm yếu, người khuyết tật và một số nhóm yếu thế khác. Khi Hiến pháp có quy định cụ thể về việc bảo đảm quyền con người, tức là chúng ta cam kết bảo đảm tất cả các quyền ấy phải được thực hiện cho mọi bộ phận, mọi nhóm xã hội, trong đó có quyền làm chủ của nhân dân.
Nên xem xét, chỉnh sửa cho hợp lý đối với Khoản 2, Điều 15 “2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Vì Khoản 1 của điều này đã quy định quyền con người, quyền công dân được xác định theo Hiến pháp và pháp luật. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và pháp luật có thể bị tước quyền công dân, bị kết án tử hình (mất quyền làm người). Những vi phạm liên quan đến an ninh, đạo đức, sức khỏe đã được quy định trong các chương điều khác của Hiến pháp và được điều chỉnh bởi các luật cụ thể như Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Báo chí,…
Nên sáp nhập Điều 21 “Mọi người có quyền sống” vào Khoản 1, Điều 22, thành “1. Mọi người có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.
Nên sửa Điều 30 thành:
“1. Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý đối với các vấn đề hệ trọng của quốc gia. 2. Các địa phương tổ chức trưng cầu dân ý về những vấn đề quan trọng của địa phương. 3. Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Thể hiện nội dung trưng cầu dân ý theo cách này nhằm tăng cường dân chủ trực tiếp của người dân, đồng thời phân cấp cho chính quyền địa phương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân. Việc trưng cầu dân ý ở địa phương có thể là một hình thức tham khảo ý kiến nhân dân, cần được quy định cụ thể trong Luật Trưng cầu dân ý.
Điều 58 cần bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm nơi ở, đất ở, đất sản xuất của công dân, đề nghị sửa thành “2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Nhà nước bảo đảm cho công dân có nơi ở, đất ở, đất sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế”.
Bổ sung một điều vào Chương II, sau Điều 16, trước Điều 17 trong Dự thảo “1. Tổ chức, cá nhân nào có hành vi ngăn cản, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, từ chối phục vụ công dân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Sở dĩ cần thiết bổ sung thêm điều này là vì chúng ta đã xác định Nhà nước ta là Nhà nước vì nhân dân, bộ máy Nhà nước đang chuyển đổi từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Việc bổ sung này sẽ đặt tình trạng im lặng không trả lời kiến nghị của công dân là hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người làm việc trong bộ máy nhà nước theo hướng phục vụ nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()