NATO trong trò chơi “bên miệng hố chiến tranh”
Trong bối cảnh dư luận lo ngại nguy cơ bùng phát xung đột Nga-Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được giới phân tích đánh giá sẽ chỉ đóng vai trò thứ yếu nếu mối lo này thành sự thật…
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa tuyên bố đã đặt 8.500 binh sĩ vào trạng thái “sẵn sàng cao độ” được triển khai tới châu Âu khi cần thiết trong trường hợp NATO kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh do căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine.
Thế nhưng khả năng này chưa có gì chắc chắn bởi Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ chưa đưa ra quyết định về khả năng triển khai số binh sĩ trên. Trước đó, chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã loại trừ việc cử quân đội Mỹ tới Ukraine để chống lại quân đội Nga.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng tuyên bố trấn an rằng: “Chúng ta biết rất rõ mức độ của các mối đe dọa và cách thức xử lý, và tất nhiên là chúng ta phải tránh những phản ứng hoảng loạn. Cần phải bình tĩnh và tiếp tục làm những gì cần làm”.
NATO hiện có khoảng 4.000 binh lính triển khai ở Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters |
Rõ ràng, việc đối đầu với Moscow trong cuộc xung đột không phải lựa chọn khôn ngoan của EU vào thời điểm đầy khó khăn như hiện nay. EU sẽ không dễ dàng để quyết định trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Moscow vì sẽ phải đối mặt với hậu quả thiếu nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga và chuẩn bị cho phương án đầy khó khăn là tiếp nhận những người tị nạn nếu chiến tranh xảy ra.
Ukraine chưa phải là thành viên NATO nên quyết định động binh là một lựa chọn mà khối này sẽ phải cân nhắc kỹ càng. Mặc dù NATO từng nhất trí Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối trong tương lai, nhưng liên minh cũng không có trách nhiệm pháp lý ràng buộc phải bảo vệ Ukraine theo hiệp ước thành lập khối.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu ám chỉ khả năng NATO ra tay giúp Ukraine như một đồng minh là khó xảy ra vì Kiev chỉ là đối tác chứ không phải là đồng minh. Ông nhấn mạnh cần phải “phân biệt giữa các đồng minh NATO và đối tác Ukraine”.
Theo Reuters, các nhà ngoại giao và cựu tướng lĩnh phương Tây dự đoán NATO có thể sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội ở Biển Đen và vùng Baltic, đồng thời chống lại các cuộc tấn công mạng trong trường hợp xảy ra xung đột Nga-Ukraine.
Tướng về hưu Hans-Lothar Domroese của Đức, từng đứng đầu một trong những bộ chỉ huy cao nhất của NATO, dự báo khả năng NATO sẽ tăng cường cho mặt trận phía đông, điều động các đơn vị quân sự lớn hơn đến Ba Lan và các nước Baltic nhằm bảo vệ lãnh thổ của NATO, đồng thời gửi một thông điệp về sự quyết tâm tới Moscow.
Cách đây ít lâu, Đan Mạch cũng đã đồng ý điều thêm 4 máy bay chiến đấu F-16 đến Litva và một tàu khu trục nhỏ để hỗ trợ hoạt động tuần tra trên biển Baltic.
Trong một động thái cho thấy phán đoán của tướng Domroese là có cơ sở, Nhà Trắng khẳng định Mỹ đang điều chỉnh các kế hoạch quân sự dành cho mọi kịch bản trong cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine. Washington cũng đang cùng các đồng minh nỗ lực triển khai lực lượng ở sườn phía đông của NATO.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) Stanislav Zas cũng cho rằng, hoạt động quân sự của NATO gần biên giới của CSTO ở Đông Âu không góp phần tăng cường an ninh trong khu vực mà là nguy cơ. CSTO kêu gọi giảm mức độ đối đầu, căng thẳng, hoạt động quân sự hiện nay và tìm kiếm những cách thức khác để bảo đảm an ninh.
Rõ ràng các động thái của NATO cho thấy liên minh này đang đẩy mạnh chiến lược mà họ đã áp dụng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014. Đó là lập kế hoạch quân sự theo hướng tăng cường phòng thủ, hiện đại hóa các biện pháp răn đe, hỗ trợ Ukraine bằng các đội tác chiến an ninh mạng và tìm cách đối thoại với Moscow.
Theo nguồn tin của các nhà ngoại giao và cựu tướng lĩnh phương Tây, phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine thông qua trang bị thêm vũ khí, máy bay không người lái của Mỹ cũng như tăng cường huấn luyện cho các lực lượng vũ trang của nước này.
Thực tế, Anh đã bắt đầu cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraine. NATO cũng sẽ ký một thỏa thuận quân sự về hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Kiev trong những ngày tới sau khi các trang web của Chính phủ Ukraine bị tấn công mạng trước đó.
Qua các động thái gần đây của NATO cùng các thành viên liên quan tới những diễn biến căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine, có thể hình dung được NATO sẽ giữ vai trò như thế nào trong trường hợp xảy ra cuộc chiến không trông đợi.
Một cuộc đối đầu quân sự với Nga luôn là điều Mỹ và NATO né tránh, và đối thoại vẫn sẽ là giải pháp được theo đuổi đến cùng cho đến khi nào còn có thể. Tuy nhiên, trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” mà các bên tham gia đang tạo ra những nguy cơ và rủi ro khó lường nếu mọi hoạt động vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ý kiến ()