NATO tiếp tục chia rẽ về việc gia nhập của Ukraine
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục cho thấy sự chia rẽ về việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự này sau khi 6 quốc gia thành viên vừa ký tuyên bố chung ủng hộ, bất chấp việc một số nước thành viên đã và đang tiếp tục phản đối.
Theo RT, bộ trưởng ngoại giao các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và Ba Lan ngày 12-12 đã ký một tuyên bố chung sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine ở Berlin (Đức), trong đó cam kết ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu cùng các điều khoản hòa bình mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra. Các quốc gia này tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine trên con đường hội nhập hoàn toàn khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO cũng như “con đường hướng tới việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc gặp ở Berlin diễn ra trong bối cảnh không chắc chắn về việc liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự của Washington cho Ukraine sau khi ông nhậm chức vào tháng tới hay không. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã cam kết sẽ chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột Nga-Ukraine thông qua con đường ngoại giao. Các nguồn tin còn tiết lộ đội ngũ của ông Donald Trump đã đưa ra kế hoạch giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine bằng cách đóng băng xung đột, buộc Ukraine gác lại tham vọng gia nhập NATO, đổi lại Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Trong khi đó, theo TASS, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố quốc gia thành viên này sẽ không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, ít nhất là trong thời gian ông còn tại nhiệm. Lập trường này của Thủ tướng Robert Fico được xem là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập NATO, vì theo hiệp ước thành lập NATO năm 1949, khối quân sự chỉ mở rộng dựa trên sự đồng thuận của tất cả thành viên. Theo tờ Politico (Mỹ), điều này đồng nghĩa với việc lập trường phản đối của Thủ tướng Robert Fico có thể ngăn chặn tư cách thành viên của Ukraine, ít nhất cho đến năm 2027, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ hiện tại của nhà lãnh đạo này. Cùng với Slovakia, Hungary cũng đang giữ lập trường phản đối việc Ukraine gia nhập NATO.

Trước đó, hồi tháng 10, phát biểu với các phóng viên sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans thừa nhận hiện có những ý kiến rất khác nhau trong liên minh về vấn đề Ukraine gia nhập NATO. Theo ông, để đạt được sự đồng thuận cần thiết, các đồng minh trong khối sẽ phải thống nhất những tiêu chí rõ ràng mà Ukraine cần đáp ứng để nhận được lời mời, cũng như những tiêu chí cần thiết khác để sau này trở thành thành viên. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan nhận định, nếu không có sự rõ ràng ngay từ đầu, 32 đồng minh sẽ khó thống nhất ý kiến mời Ukraine gia nhập.
NATO từng tuyên bố Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh quân sự này vào “một ngày nào đó” nhưng cũng khẳng định Kiev không thể tham gia khi đang có xung đột với Nga, vì điều này có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga. Cho đến thời điểm này, các nhà lãnh đạo NATO vẫn né tránh trả lời trực tiếp về đề nghị của Ukraine liên quan đến lời mời gia nhập khối quân sự.
Bất chấp rất nhiều trở ngại, Ukraine không có ý định từ bỏ tham vọng gia nhập NATO bởi coi đây là yếu tố sống còn. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố, Ukraine sẵn sàng ngừng bắn với Nga nếu các vùng lãnh thổ mà Ukraine hiện kiểm soát được đặt dưới sự bảo trợ của NATO.
Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 12-12 khẳng định lại lập trường Nga không bao giờ chấp nhận Ukraine gia nhập NATO, vì điều này về cơ bản sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia của đất nước. Moscow coi việc NATO mở rộng hiện diện về phía Đông, ngày càng gần biên giới Nga là mối đe dọa. Một trong những điều kiện mà Moscow nêu ra nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine là Kiev phải cam kết trung lập, không gia nhập NATO.

Ý kiến ()