NATO thông qua kế hoạch phòng thủ đầy tham vọng
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 11 và 12-7 tại Vilnius (Litva), các nhà lãnh đạo liên minh quân sự này đã thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, đồng thời nhất trí quyết định đưa Ukraine đến gần hơn với NATO.
Theo kế hoạch phòng thủ mới, NATO đặt mục tiêu triển khai 300.000 quân, bao gồm cả lực lượng hải quân và không quân, luôn ở trạng thái sẵn sàng cao. Bên cạnh đó, NATO cũng thông qua kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng mới để đẩy nhanh việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất vũ khí, đồng thời cam kết mỗi nước dành ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quân sự trong tương lai.
Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius. Ảnh: Reuters |
Trong nhiều thập kỷ, NATO không chú trọng các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn bởi tổ chức này đã tham gia những cuộc chiến tương đối nhỏ tại Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, sau khi chiến sự ở Ukraine bùng phát và trở thành cuộc xung đột dữ dội nhất trên lục địa châu Âu kể từ năm 1945, NATO giờ đây nhận thấy sự cần thiết phải có kế hoạch phòng thủ toàn diện trước khi một cuộc xung đột tiềm tàng có thể xảy ra. Như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, kế hoạch phòng thủ được thiết kế để giúp NATO giải quyết những mối đe dọa về an ninh mà liên minh quân sự này phải đối mặt.
Bên cạnh kế hoạch phòng thủ toàn diện, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này cũng tập trung thảo luận về khả năng gia nhập NATO của Ukraine. Trang defense.gov cho biết, các thành viên NATO đã nhất trí với gói biện pháp gồm 3 yếu tố giúp đưa Ukraine đến gần NATO hơn. Đầu tiên là một chương trình hỗ trợ mới kéo dài nhiều năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của lực lượng vũ trang Ukraine sang các tiêu chuẩn của NATO, giúp xây dựng lại lĩnh vực an ninh và quốc phòng của Ukraine, đáp ứng các nhu cầu quan trọng như nhiên liệu, thiết bị rà phá bom, mìn và vật tư y tế. Thứ hai, thành lập Hội đồng NATO-Ukraine-một diễn đàn để tham vấn và đưa ra quyết định về cuộc xung đột, nơi Kiev và các thành viên NATO đều bình đẳng. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo NATO tái khẳng định Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO và đồng ý xóa bỏ yêu cầu về Kế hoạch hành động thành viên (MAP) đối với Kiev.
Trong khuôn khổ kế hoạch MAP, các nước ứng viên phải chứng minh đáp ứng được những tiêu chuẩn về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng thời chứng minh là có đủ khả năng đóng góp về mặt quân sự cho liên minh. Đây là một lộ trình chính thức để trở thành thành viên mà các quốc gia khác đã mất vài năm để hoàn thành. Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết: “Động thái mới sẽ thay đổi con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine từ quy trình 2 bước thành quy trình 1 bước”. Theo Tổng thư ký Stoltenberg, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã nhất trí sẽ mời Ukraine gia nhập liên minh quân sự khi nước này đạt được một số điều kiện nhất định. Tuyên bố được NATO đưa ra nêu rõ “tương lai của Ukraine nằm trong NATO” và đây là gói biện pháp mạnh với Ukraine, là con đường để Kiev trở thành thành viên của liên minh này.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi kế hoạch gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. NATO khẳng định luôn rộng cửa chào đón Ukraine nhưng không đưa ra một lộ trình cụ thể. Nhiều nước thành viên của liên minh này lo ngại việc Ukraine gia nhập NATO có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO với Nga.
Tại thời điểm trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, giới chức Kiev và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO đưa ra các cam kết cụ thể đối với triển vọng trở thành thành viên sau khi xung đột quân sự với Nga kết thúc. Tuy nhiên, có vẻ như sau hội nghị lần này, điều mà Ukraine nhận được tiếp tục là lời hứa về cánh cửa NATO vẫn mở đối với Kiev, chứ không phải là một khung thời gian rõ ràng như hy vọng của giới chức Ukraine.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/nato-thong-qua-ke-hoach-phong-thu-day-tham-vong-734344
Ý kiến ()