NATO: ‘Sinh nhật’ trong căng thẳng
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kỷ niệm 70 năm thành lập nhưng mâu thuẫn nội bộ lại bao trùm liên minh quân sự này, bất chấp nỗ lực thể hiện tinh thần đoàn kết trước sự gia tăng ảnh hưởng của Nga.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập khối. |
Sinh nhật lần thứ 70 (1949-2019) của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4/4 bị phủ bóng bởi những rạn nứt giữa Mỹ và phần còn lại quanh một loạt vấn đề, từ chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump cho đến chi tiêu quốc phòng và việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ trước đó một ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg có ý phàn nàn về chính sách “Nước Mỹ trên hết” khi cho rằng Washington hưởng lợi từ liên minh 29 thành viên này cũng nhiều như các nước châu Âu. Ông nhắc lại việc các thành viên NATO giúp Mỹ ra sao sau khi xảy ra sự kiện khủng bố 11/9/2001, cũng như chiến đấu cạnh Mỹ tại Afghanistan và tham gia liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. “Điều này giúp nước Mỹ trở nên mạnh hơn, an toàn và an ninh hơn” – ông Stoltenberg đúc kết.
Theo AFP, chỉ vài giờ trước khi ngoại trưởng 29 nước thành viên gặp mặt, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu chỉ trích gay gắt 2 đồng minh trong khối là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đức phải làm nhiều hơn và chúng tôi không thể đảm bảo phòng vệ của phương Tây nếu các đồng minh cứ tiếp tục lệ thuộc vào Nga. Đơn giản là không thể chấp nhận nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục phớt lờ mối đe dọa từ Nga và bỏ qua sự phòng vệ của họ cũng như của tất cả các thành viên”, ông Pence nói tại diễn đàn NATO Engages bên lề lễ kỷ niệm 70 năm thành lập khối. Phó Tổng thống Mỹ kêu gọi Berlin “phải hành động nhiều hơn” so với việc chỉ chi 1,5% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Trước đó, Tổng thống Donald Trump nhiều lần kêu gọi các thành viên NATO đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.
Phản ứng lại, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng các thành viên chia sẻ với nhau không chỉ về chi tiêu, đồng thời khẳng định NATO trên hết là “liên minh của các giá trị”. Ông chỉ ra rằng Đức đóng góp binh sĩ nhiều thứ 2 tại Afghanistan và còn đang xây một trung tâm chỉ huy cho NATO tại thành phố Ulm. Không dừng lại ở khúc mắc về quốc phòng, Mỹ còn bày tỏ lo ngại về việc Đức xúc tiến dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nhằm tăng gấp đôi lượng khí nhập khẩu từ Nga với lý do sẽ khiến nền kinh tế Đức lệ thuộc vào đối thủ của NATO.
Rạn nứt trong lòng liên minh quân sự này dường như thêm mở rộng, nổi bật là quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo trang Bloomberg, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, hôm 3/4, tái khẳng định Ankara quyết tâm mua hệ thống S-400 của Moscow bất chấp sức ép gia tăng của Washington. Theo ông Cavusoglu, thương vụ này là cấp thiết bởi NATO hiện không thể bảo vệ không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục là thành viên quan trọng trong NATO hoặc muốn hủy hoại vị thế này bằng “những quyết định khinh suất”, như mua S-400. Ngoài ra, Lầu Năm Góc tuyên bố ngừng cung cấp mọi thiết bị liên quan đến chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara từ bỏ thương vụ.
Tuy nhiên, vài giờ trước phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vẫn khẳng định, thỏa thuận mua 4 tổ hợp phòng không S-400 với Nga vào cuối năm 2017, hiện đã “xong xuôi”, tuyên bố sẽ không “lùi bước nhượng bộ” trong vấn đề này. Dự kiến, tổ hợp đầu tiên sẽ được Nga chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm nay.
Thừa nhận về mối quan hệ Mỹ- Thổ cũng đang trải qua gia đoạn “sóng gió” tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng 2 nước tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 3/4 cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải “trả giá đắt nếu đơn phương hành động trong khu vực”, hàm ý chỉ trích những hoạt động quân sự của Ankara tại Syria.
Đó là những bất đồng lớn giữa các nước thành viên lớn của NATO. Ngoài ra, hình ảnh một NATO “suy yếu” cũng đang gây ra sự chia rẽ giữa các nước thành viên, đặc biệt khi nhiều nước tỏ ra không hài lòng cách NATO thể hiện tại một số cuộc xung đột, đặc biệt là trong cuộc chiến “dai dẳng 17 năm” tại Afghanistan.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()