NATO đang mở rộng sang châu Á?
Trung Quốc mới đây đã cảnh báo về sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang khu vực châu Á.
Trung Quốc là quốc gia từng nhiều lần đề cập việc NATO tiếp tục vượt khỏi các khu vực phòng thủ truyền thống, không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Mới đây nhất, ngày 4-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh một lần nữa nhấn mạnh, các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần “cảnh giác cao độ” trước sự mở rộng của NATO.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi (bên trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: nato.int |
“Châu Á là miền đất hứa cho sự hợp tác và phát triển, không nên trở thành nơi diễn ra các cuộc đối đầu địa chính trị. Việc NATO liên tục mở rộng ảnh hưởng về phía Đông ở châu Á-Thái Bình Dương, can thiệp vào các vấn đề khu vực, gây mất ổn định tình hình, thúc đẩy đối đầu đòi hỏi các nước trong khu vực phải cảnh giác cao độ”, Reuters dẫn lời bà Mao Ninh cho biết.
Có nhiều lý do để Trung Quốc lo ngại về việc NATO “bành trướng” về phía Đông, theo cách gọi của họ. Trong “khái niệm chiến lược” được công bố vào năm ngoái, NATO lập luận rằng Trung Quốc đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương mặc dù Nga vẫn là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh”. NATO cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện có ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để giải quyết các thách thức xuyên khu vực và chia sẻ lợi ích an ninh.
Tháng 2 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo giới quan sát, chuyến công du châu Á của ông Stoltenberg thể hiện rõ nét mong muốn của NATO về tăng cường quan hệ đối tác với châu Á trong giai đoạn hiện nay. Trong các cuộc gặp xuyên suốt chuyến đi, người đứng đầu NATO từng nhiều lần nêu rõ, các sự kiện ở châu Âu và Bắc Mỹ có mối liên hệ với các khu vực khác, nhấn mạnh NATO muốn kiểm soát các mối đe dọa toàn cầu bằng cách tăng cường quan hệ đối tác ở châu Á.
Và một trong những sự kiện gần đây nhất chứng minh bước đi rút ngắn khoảng cách giữa NATO và các đối tác châu Á là kế hoạch mở văn phòng liên lạc đầu tiên của NATO ở khu vực này, mà cụ thể là ở Nhật Bản. Nikkei Asia cho biết văn phòng sẽ được mở vào năm tới tại Tokyo, tạo điều kiện thuận lợi cho NATO tiến hành các cuộc tham vấn định kỳ với những đối tác trong khu vực như Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Một số ý kiến cũng cho rằng, sự hiện diện của văn phòng liên lạc tại Tokyo là bước đi quan trọng mang ý nghĩa “trấn an” các đối tác châu Á, trong bối cảnh sự gắn kết giữa Trung Quốc với Nga ngày càng sâu sắc.
Cũng cần biết rằng, Liên minh châu Âu (EU) và cả NATO đều lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa đến một loạt vấn đề an ninh và lợi ích của phương Tây tại khu vực. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng năng lực quân sự, củng cố tầm ảnh hưởng và tiếp tục kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thậm chí xung đột Nga-Ukraine cùng sự đối đầu giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc đã trở thành động lực thúc đẩy Bắc Kinh và Moscow thiết lập những mối liên kết địa chính trị mới, về lâu dài có khả năng sẽ tác động tới trật tự chiến lược toàn cầu. Nói một cách cụ thể hơn, cái “bắt tay” ngày càng chặt giữa hai cường quốc sẽ trở thành đối trọng của Mỹ và các đồng minh trong cuộc tranh giành ảnh hưởng cũng như sắp đặt trật tự thế giới. Bởi thế, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng bày tỏ lo ngại quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc có thể “làm tổn hại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đi ngược lại các giá trị và lợi ích của NATO”.
Để kiềm chế Trung Quốc cũng như mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, việc lôi kéo các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc bằng lời hứa sẵn sàng phối hợp cùng giải quyết những vấn đề “nóng” tại khu vực là điều cần thiết. Vai trò của từng mắt xích trong khu vực được gia tăng có thể giúp NATO thực hiện mục tiêu mà không cần sự hiện diện trực tiếp tại khu vực.
NATO là một cơ chế an ninh tập thể, theo đó cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là cuộc tấn công vào tất cả. Đây cũng là lý do một số chuyên gia cho rằng ít có khả năng NATO sẽ kết nạp thêm thành viên ở khu vực châu Á. Một cơ cấu hợp tác an ninh mới ở châu Á mà không có sự ràng buộc của cơ chế an ninh tập thể sẽ là lựa chọn được NATO ưu tiên.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nato-dang-mo-rong-sang-chau-a-727264
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()