NAPAS miễn giảm phí dịch vụ công và chuyển tiền liên ngân hàng
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) vừa thông báo triển khai chương trình miễn, giảm phí dịch vụ cho các tổ chức tín dụng, Chương trình miễn phí ước tính doanh thu giảm nhất 15% những đơn vị này vẫn được triển khai nhằm gián tiếp chia sẻ khó khăn doanh nghiệp và người dân.
Triển khai các giải pháp về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN trong việc đồng hành với người dân đối phó với dịch bệnh do chủng virus Corona mới (Covid-2019), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chương trình miễn, giảm phí dịch vụ cho các tổ chức tín dụng từ ngày 25/2.
Theo đó, NAPAS thực hiện miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) gồm các giao dịch thanh toán dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đến hết năm 2020; giảm 72% phí chuyển mạch các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với các giao dịch có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, mức giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 500 đồng/giao dịch từ ngày 25/2/2020).
Việc NAPAS giảm phí là một tiền đề để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với Chương trình miễn, giảm phí của NAPAS.
Bà Nguyễn Tú Anh – Chủ tịch HĐTQ NAPAS cho biết: Chương trình miễn giảm phí dịch vụ chuyển mạch trong năm 2020 của NAPAS có thể góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân trong thời điểm dịch bệnh Covid-2019 đang diễn biến phức tạp.
“Năm 2020 là thời điểm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công theo chủ trương của Chính phủ, việc áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ (mức thu 0 đồng) là sự chia sẻ trách nhiệm của ngành ngân hàng cũng như NAPAS với cộng đồng, với khách hàng. Các giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên không chỉ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng trong dân cư mà còn giúp các cơ quan Chính phủ cắt giảm được chi phí quản lý, vận hành”, bà Nguyễn Tú Anh phân tích.
Mặc dù doanh thu của NAPAS có thể sẽ giảm ít nhất 15% khi triển khai chương trình miễn, giảm phí nhưng người đứng đầu NAPAS tin tưởng rằng, chương trình miễn, giảm phí đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới là vận dụng phù hợp trong hoạt động kinh doanh không chỉ của NAPAS mà còn đúng với nhiều doanh nghiệp.
Được biết, trong năm 2019, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 chiếm gần 50% tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS. Số liệu thống kê cho thấy xu hướng dịch chuyển đáng kể từ giao dịch rút tiền mặt sang giao dịch chuyển tiền thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Là đơn vị tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và NHNN, kể từ thời điểm sáp nhập đến nay, NAPAS đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giám phí dịch vụ chuyển mạch, giảm tới 80% phí dịch vụ chuyển mạch…
Trước đó, trong cuộc họp thường trực Chính phủ về tác động của dịch virus Covid-19 đến kinh tế-xã hội Việt Nam, Thủ tướng đã nêu quan điểm kiên định, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù vậy, Việt Nam cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Các bộ ngành trong đó có NHNN cũng cần nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.
Để kịp thời “trợ lực” cho nền kinh tế NHNN cũng đã tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do NHNN tổ chức với sự góp mặt của các ngân hàng.
NHNN và các NHTM đã bàn một số giải pháp nhằm phòng chống dịch Covid-19, theo đó đưa ra một số giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, tổn thất do dịch gây ra như: Cơ cấu lại khoản nợ, khoản vay của doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của hậu quả do dịch gây ra, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu…
Các ngân hàng cũng coi đây là cơ hội đẩy mạnh dùng các biện pháp giao dịch không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán, gửi tiết kiệm trực tuyến (online), giảm dần tỉ trọng giao dịch tiền mặt trong dân.
Ý kiến ()