Nâng vị thế của phụ nữ, giảm khoảng cách giới trên các lĩnh vực
(LSO) – Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có 7 mục tiêu cơ bản, nhiều năm qua, tỉnh Lạng Sơn đều nỗ lực thực hiện hiệu quả. Trong đó đáng chú ý là mục tiêu 1 và 2 về giảm khoảng cách giới trên lĩnh vực chính trị và lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, góp phần nâng vị thế của phụ nữ tỉnh nhà.
Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
Ngày 2/11/2016, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 257-QĐ/TU về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số các cấp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Thực hiện yêu cầu chuẩn hóa cán bộ của tỉnh, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là nữ. Do đó, cán bộ công chức, viên chức nữ có nhiều cơ hội thuận lợi để tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo đó, các sở, ngành đã quan tâm công tác cán bộ nữ. Nhiều đơn vị có tỷ lệ cán bộ nữ cao như: ngành giáo dục, y tế, tòa án; một số đơn vị có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp sở, ngành chiếm cao như: Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh (3/4 đồng chí); một số huyện có Bí thư Huyện ủy là nữ như: Tràng Định, Hữu Lũng…
Lao động nữ tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại Ngày hội việc làm tỉnh năm 2019
Ông Nguyễn Thế Lệ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, số cán bộ nữ của TAND hai cấp trong tỉnh chiếm trên 60%. Thời gian qua, lãnh đạo TAND tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ nữ học tập, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn, quan tâm quy hoạch, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Hiện nay, TAND tỉnh có 1 đồng chí nữ giữ chức vụ phó chánh án; 6 nữ trưởng phòng chuyên môn, chánh án TAND cấp huyện; 5 nữ phó phòng chuyên môn, phó chánh án TAND cấp huyện, chiếm hơn 40% lãnh đạo các đơn vị TAND hai cấp trong tỉnh. Hằng năm, đơn vị đều tổ chức cho cán bộ nữ đi giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao cho cán bộ nữ tham gia, qua đó tạo phong trào thi đua sôi nổi trong TAND hai cấp.
Cùng với tỷ lệ cán bộ, lãnh đạo nữ ở các sở, ngành chiếm tỷ lệ cao, thời gian qua, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, HĐND các cấp ngày càng tăng hơn. Theo thống kê của Ban VSTBCPN tỉnh năm 2018, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đều tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, cụ thể, cấp tỉnh có 9/54 người, đạt 16,67%; cấp huyện 119/480 người, đạt 24,79%; cấp xã 524/2.605 người, đạt 20,12%. Số lượng và tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cũng đạt tỷ lệ cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Giảm khoảng cách giới trong lao động, việc làm
Cùng với việc giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị thì thời gian qua, tỉnh đã quan tâm nâng vị thế, vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Thông qua các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã ngày càng tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban VSTBCPN tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới gắn với thực hiện các chương trình, giải pháp tạo việc làm mới thông qua cho vay vốn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo. Tỉnh luôn tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực kinh tế như: vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh; khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm của phụ nữ tại Diễn đàn “Phụ nữ Xứ Lạng sáng tạo và khởi nghiệp” năm 2018
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 700 doanh nghiệp do nữ làm đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp, chiếm khoảng 28%. Từ năm 2018 đến nay, thông qua việc thực hiện đề án: “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ” và đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp’’ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì thực hiện đã xuất hiện nhiều hội viên làm kinh tế giỏi. Trong đó có một số mô hình điển hình như: mô hình trồng cam, chanh của chị Vũ Thị Huyền, hội viên phụ nữ thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng cho thu nhập 400 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả của chị Lâm Thị Vệ, hội viên phụ nữ thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cho thu nhập mỗi năm khoảng hơn 200 triệu đồng…
Bà Lê Minh Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân nữ Lạng Sơn cho biết: Các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian qua đã tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế khởi nghiệp và làm chủ doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã khẳng định được thương hiệu, vị thế không những trong tỉnh mà trong cả nước và vươn ra hội nhập quốc tế.
Có thể thấy rằng, cùng với thiên chức làm vợ, làm mẹ, thời gian qua, phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực không ngừng để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giảm dần khoảng cách của phụ nữ trên các lĩnh vực, nhất là trong lao động – việc làm, phát triển kinh tế cũng như lĩnh vực chính trị. Qua đó ngày càng khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()