Nâng tỷ lệ tiêm phòng: Giải pháp tối ưu phòng dịch bệnh
LSO-Tiêm phòng là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh tuy không xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn luôn thường trực, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vẫn chưa phải là cao. Chính vì vậy, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi là một trong những giải pháp tối ưu để phòng dịch bệnh trong thời điểm này.
LSO-Tiêm phòng là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh tuy không xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn luôn thường trực, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vẫn chưa phải là cao. Chính vì vậy, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi là một trong những giải pháp tối ưu để phòng dịch bệnh trong thời điểm này.
Nhân dân xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia khử trùng chuồng trại cho gia súc |
Xét về tỷ lệ tiêm phòng thì trong thời gian qua, huyện Chi Lăng có những bước tiến vượt bậc. Nếu những năm trước tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi của huyện chỉ ở mức trung bình so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh, thì trong năm nay Chi Lăng vươn lên dẫn đầu. Thực chất đa phần các địa phương đều triển khai tốt các nội dung tiêm phòng các bệnh nguy hiểm, bởi tiêm phòng bệnh này được nhà nước hỗ trợ vắc xin. Còn lại đối với các bệnh thông thường thì tỷ lệ tiêm thường thấp. Nhưng đối với Chi Lăng, các nội dung tiêm phòng rất đồng đều, thậm chí tiêm phòng các bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm còn vượt kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Châm, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chi Lăng cho biết: từ thực tiễn trong những năm qua, hầu hết chính quyền các địa phương coi tiêm phòng là việc của riêng lực lượng thú y, chính vì vậy mà chưa cộng đồng trách nhiệm, dẫn đến tỷ lệ tiêm còn thấp. Xuất phát từ thực tế này, ngay từ đầu năm, Trạm đã tham mưu cho UBND huyện căn cứ vào tổng đàn, giao chỉ tiêu, kế hoạch tiêm phòng cho từng xã và coi tỷ lệ tiêm phòng là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua. Đồng thời với đó, Trạm cử cán bộ tăng cường cho các xã còn khuyết thú y viên cơ sở để đảm bảo cán bộ chuyên môn tại chỗ; coi tuyên truyền, vận động là trọng tâm, không đưa ngân sách hỗ trợ tiêm phòng bệnh thông thường, bởi nếu có hỗ trợ cũng không đủ kinh phí để rải đều ở các xã. Cách làm này đã phát huy tối đa tác dụng. Một mặt huy động được sự vào cuộc của chính quyền địa phương từ tuyên truyền, vận động đến kiểm tra, đôn đốc. Mặt khác nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của tiêm phòng, đánh tan tâm lý ỷ lại của người chăn nuôi. Tính từ đầu năm đến nay, tiêm phòng các bệnh thông thường trên gia súc như tiên mao trùng và tụ huyết trùng, Chi Lăng đạt tỷ lệ từ 96,6% đến 101% so với kế hoạch. Đối với gia cầm, tỷ lệ tiêm phòng cũng đạt trên 86%, đạt ngưỡng đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Thế nhưng Chi Lăng chỉ là một trong số ít những địa phương triển khai tốt công tác tiêm phòng. Trong hội nghị tổng kết sản xuất đông xuân 2012-2013, theo số liệu của Chi cục thú y, thì tỷ lệ tiêm phòng trên đàn trâu, bò của toàn tỉnh chỉ đạt 77%, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia cầm thấp hơn nhiều, chỉ đạt 11,1% so với kế hoạch. Điển hình như Văn Quan và Bình Gia, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 11, tiêm phòng lở mồm long móng ở các địa phương này chỉ đạt từ 39-47% kế hoạch. Đó là tiêm phòng được hỗ trợ vắc xin, còn đối với tiêm phòng bệnh thông thường, tỷ lệ còn thấp hơn nhiều, chẳng hạn như Tràng Định tiêm phòng tụ huyết trùng và tiên mao trùng trên trâu, bò chỉ ở mức hơn 3%.
Theo nhận định của Chi cục thú y, hiện nay ngoài việc tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, các địa phương còn phải cảnh giác với nguy cơ cúm gia cầm. Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: bên cạnh việc tăng cường giám sát dịch bệnh, hiện nay Chi cục Thú y đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp tiêm phòng một cách có hiệu quả. Coi đây là một trong những biện pháp hàng đầu để phòng dịch bệnh. Tuy nhiên ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, thì chính quyền các địa phương cũng cần tích cực trong vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về tầm quan trọng của công tác tiêm phòng đối với an toàn dịch bệnh.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()