Nâng thời lượng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Ngày 4/3, tại TP. Đà Nẵng, Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc (HSDT) thiểu số (Bộ GD-ĐT) tổ chức hội nghị “Tăng cường dạy học Tiếng Việt cho HSDT thiểu số”.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu về dự cho rằng, đối với HSDT thiểu số khả năng đọc thông viết thạo càng có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo để học thêm.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chất lượng dạy học môn tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Việt lớp 1 cho HSDT có nhiều bất cập. Nguyên nhân có thể là do SGK chủ yếu soạn cho HS với tư cách là tiếng mẹ đẻ. Phương pháp dạy tiếng mẹ đẻ của chương trình SGK tỏ ra không thích hợp với HSDT chưa biết hoặc biết rất ít tiếng Việt.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã thống nhất phương án các địa phương có thể tăng thời lượng dạy học tiếng Việt cho HSDT thiểu số chưa biết tiếng Việt bằng cách tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các hình thức trên được áp dụng đối với HSDT thiểu số lớp 1 ở các trường không nằm trong dự án thí điểm tăng thời lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết thành 500 tiết.
Việc tăng cường tiếng Việt cho HSDT được thực hiện theo hướng tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục; sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học; khuyến khích tổ chức các trò chơi học tập, tổ chức chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho HSDT thiểu số cấp Tiểu học để tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt của HSDT và giúp các em yêu tiếng Việt hơn…
Song song với những biện pháp trên, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các địa phương biên soạn tài liệu và có các giải pháp chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số phù hợp với thực tiễn và khả năng tiếp nhận của các em…
Ý kiến ()