Nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng
LSO-Mặc dù na Chi Lăng đã khá nổi tiếng trên cả nước, nhưng để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, từ năm 2016 đến nay huyện Chi Lăng tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để tăng sản lượng, chất lượng cũng như thương hiệu.
![]() |
Ban giám khảo Hội thi na năm 2016 đánh giá sản phẩm dự thi |
Tăng về lượng và chất
Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, những năm gần đây huyện Chi Lăng chủ trương mở rộng diện tích đất trồng na. Huyện đã vận động nhân dân khai thác, tận dụng diện tích đất ở các chân núi, triền núi khó canh tác cây nông nghiệp truyền thống để cải tạo thành đất trồng na. Qua đó, năm 2015 tổng diện tích na của huyện là 1.200 ha, năm 2016 là hơn 1.300 ha và đến nay diện tích đạt 1.500 ha.
Cùng với mở rộng diện tích canh tác, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, sản lượng quả na. Trong năm 2016, huyện đã tổ chức và hỗ trợ người dân trồng na 3.114 hộp thuốc để bẫy bả, qua đó đã giảm 90% tác hại của ruồi vàng đến quả na. Đồng thời, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng các mô hình điểm trồng na theo quy trình VietGap với 10,7 ha tại Lân Ba Tài, thôn Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng và 30 ha tại khu vực Lân Giao, thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng.
Ông Lương Thành Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Huyện xây dựng vùng na VietGap để hướng đến nhân rộng trên toàn huyện. Năm 2017, huyện sẽ tiếp tục xây dựng 50 ha na VietGap tại xã Quang Lang. Năm 2016, sản lượng na toàn huyện đạt khoảng 12.000 tấn, cho doanh thu khoảng 250 tỷ đồng. Năm 2017 phấn đấu nâng tổng giá trị đạt hơn 300 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ngày 28/3 tới đây huyện sẽ tổ chức hội nghị phát động sản xuất na an toàn năm 2017 với nội dung đánh giá, tổng kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, vận động người dân sử dụng chất bảo vệ thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn và quy định để nâng cao chất lượng quả na.
Nâng giá trị thương hiệu
Để quảng bá hình ảnh, chất lượng quả na, hằng năm huyện Chi Lăng tổ chức hội thi na. Một mặt để khích lệ người nông dân thi đua sản xuất, một mặt để người dân Lạng Sơn và du khách thập phương có dịp thưởng thức những quả na có chất lượng cao, đây chính là kênh tuyên truyền, giới thiệu trực tiếp, hiệu quả cho thương hiệu na Chi Lăng. Cùng với đó huyện đang lựa chọn doanh nghiệp phù hợp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.
Năm 2017, để tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu na, UBND huyện Chi Lăng đã chủ trương làm bao bì đựng na. Trong đó, sẽ phân loại bao bì từ cao cấp đến trung bình để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Vụ na năm 2017, huyện sẽ hỗ trợ những vùng trồng na VietGap bao bì đóng gói quả na. Trong đó, sẽ có hộp, túi giấy, thùng cát tông đẹp để phục vụ khách có nhu cầu mua biếu, làm quà tặng và các túi nylon, thùng cát tông, hộp xốp bình thường có dán tem nhãn để phục vụ khách mua tiêu dùng, kinh doanh với số lượng lớn. Thậm chí băng dính dùng để đóng gói cũng sẽ được in tem nhãn mác na Chi Lăng. Đồng thời, tới đây huyện sẽ xây dựng khu trưng bày, quảng bá sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện thuộc địa phận xã Quang Lang để phục vụ du khách thập phương khi có dịp lên thăm Lạng Sơn.
Với nhiều giải pháp, đồng bộ, thiết thực, hy vọng rằng giá trị thương hiệu na Chi Lăng sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa cả về lượng và chất, góp phần quan trọng, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội huyện Chi Lăng.
ANH DŨNG

Ý kiến ()